Giai cấp tư sản như công ty vô danh
HUYỀN THOẠI thích ứng với lịch sử ở hai điểm: hình thức của nó
chỉ là lý do khơi gợi một cách tương đối; khái niệm của nó về bản chất có
tính lịch sử. Vậy nên có thể hình dung cách nghiên cứu lịch đại các huyền
thoại, hoặc người ta xem xét huyền thoại theo hướng nhìn về quá khứ (và
thế là lập ra huyền thoại học lịch sử), hoặc người ta theo dõi diễn biến của
một số huyền thoại trước kia cho tới hình thức của chúng ngày nay (và thế
là tiến hành lịch sử hướng tương lai. Ở đây tôi chỉ phác thảo về phương
diện đồng đại các huyền thoại ngày nay là vì một lý do khách quan: xã hội
chúng ta là môi trường ưu đãi của những biểu đạt huyền thoại. Bây giờ cần
phải nói tại sao.
Dù lịch sử đem đến cho chúng ta những biến cố, những thoả hiệp,
những nhượng bộ và những phiêu lưu chính trị thế nào đi nữa, các thay đổi
về kỹ thuật, về kinh tế hoặc cả về xã hội thế nào đi nữa, thì xã hội chúng ta
vẫn còn là một xã hội tư sản. Tôi chẳng phải không biết là từ năm 1789, ở
Pháp, nhiều kiểu giai cấp tư sản nối tiếp nhau nắm quyền; nhưng cơ cấu sâu
xa vẫn thế, đó là cơ cấu của một chế độ tư hữu nhất định, của một trật tự
nhất định, của một hệ tư tưởng nhất định. Thế nhưng trong việc định danh
lại xảy ra một hiện tượng đáng chú ý: về mặt kinh tế, giai cấp tư sản được
gọi tên chẳng khó khăn: công khai là chủ nghĩa tư bản
. Về mặt chính trị,
giai cấp ấy thừa nhận mình một cách khó khăn: không có các đảng “tư sản”
ở Nghị viện. Về mặt hệ tư tưởng, nó biến mất hoàn toàn: giai cấp tư sản đã
xoá tên mình bằng cách chuyển từ thực tế sang biểu hiện của nó, từ con
người kinh tế sang con người tinh thần: nó dễ dàng dàn xếp về các sự kiện,
nhưng nó không thoả hiệp về các giá trị, nó tiến hành chiến dịch thoát-
danh
thật sự; giai cấp tư sản tự xác định như giai cấp xã hội không muốn
được gọi tên. “Tư sản”, “tiểu tư sản”, “chủ nghĩa tư bản
”, “giai cấp vô
sản
” là những nơi xảy ra tình trạng chảy máu không ngừng: nghĩa thoát ra
khỏi chúng cho đến khi tên gọi là gì trở nên vô ích.