- Vậy ý kiến của ông thì thế nào, thưa ông?
- Tôi muốn biết cô ta biến khỏi xe lửa như thế nào? Có những hành
khách nào trong toa xe, toa mà bà Pope đã dành riêng ấy?
Hearn gật đầu tán thành và lấy ra một cuốn sổ tay.
- Có bà Jordan và bà Butters, hai bà già độc thân ở Thụy Sĩ về; không có
gì để nói về hai bà này (họ là những người mà ai cũng biết là tử tế ở
Hampshire, nơi cư trú của họ); hai thương nhân đáng kính trọng. Một
chàng trai tên là James Eliott và vợ. Vợ rất xinh. Người chồng thì nghèo.
Cảnh sát đã từng nghi ngờ anh ta dính líu vào những việc mua bán gian lận.
Nhưng chưa bao giờ anh ta bắt cóc trẻ con. Dù sao người ta cũng đã khám
xét hành lý của anh chàng và không thấy gì đáng nghi ngờ cả. Cuối cùng có
một bà người Mỹ, bà Van Suyder, tới Paris. Người ta không biết gì về bà
này cả. Nhưng bà ta tỏ ra đứng đắn. Đó là tất cả.
- Từ sau khi rời Amiens thì đoàn tàu không dừng lại ở đâu nữa, đó tuyệt
đối là chắc chắn chứ?
- Tuyệt đối. Tàu có chạy chậm lại một lần nhưng người ta không thể
nhảy xuống mà không chết hoặc bị thương được.
- Đúng là điều làm cho câu chuyện trở nên lý thú. Một nữ sinh biến mất
như một phép lạ đúng ngay ở đoạn sau ga Amiens. Và cô ấy lại hiện ra như
một phép lạ đúng sau ga Amiens. Giữa hai thời điểm ấy cô ta ở đâu?
- Cái đó hình như là điên rồ khi được trình bày như vậy – Người thanh
tra lắc đầu nói. - A! Người ta có nhắc đến việc ông hỏi về đôi giày. Cô nữ
sinh ấy có đi đôi giày khi người ta tìm thấy cô nhưng một nhân viên đường
sắt cũng tìm thấy một đôi giày khác bên đường ray. Người ấy đã mang về
nhà mình vì giày còn tốt. Đôi giày đi đường, màu đen, đóng chắc chắn.
- A! – Poirot nói một cách thỏa mãn trong khi Hearn nhìn anh với vẻ lạ
lùng.
- Tôi không hiểu, thưa ông. Nhưng chiếc giày ấy có một ý nghĩa nào đó
ư?
- Chúng xác nhận một lý thuyết – Poirot trả lời…
*