“Không, không phải tên thánh.”
“Vậy họ cậu ta là Pip sao?”
“Không,” Joe nói, “là một kiểu tên gọi ở nhà mà cậu ấy tự gọi mình
khi còn bé xíu, rồi mọi người cứ thế gọi vậy luôn.”
“Con trai ông phải không?”
“A,” Joe trầm ngâm nói, tất nhiên không phải vì cần ngẫm nghĩ về
câu trả lời, mà vì ở quán Ba Thủy Thủ Vui Vẻ người ta dường như luôn
ngẫm nghĩ rất lung tung về mọi thứ khi vừa bàn luận vừa ngậm tẩu thuốc,
“à, không. Không, cậu bé không phải con tôi.”
“Cháu à?” người lạ mặt hỏi.
“Ồ,” Joe nói, lại với cùng vẻ ngẫm nghĩ đăm chiêu, “cậu ấy không
phải - không, chẳng giấu gì ông, cậu bé không phải - cháu tôi.”
“Vậy thì cậu bé này là thế nào với ông vậy?” người lạ mặt hỏi. Một
câu vặn hỏi tôi thấy có phần soi mói không cần thiết.
Đến đây ông Wopsle xen vào mà trình bày tường tận mối quan hệ
giữa tôi và Joe với tư cách một người biết mọi thứ về những mối quan hệ,
bởi cơ hội nghề nghiệp đã cho phép ông nhớ rõ những họ hàng nữ giới nào
thì một người đàn ông không được kết hôn cùng. Nhúng tay xong, ông
Wopsle hạ màn bằng một đoạn lời thoại cắm cảu kinh khủng tột độ từ vở
kịch Richard Đệ Tam, và có vẻ nghĩ ông đã làm quá đủ để được ghi nhận vai
trò khi nói thêm, “như nhà thơ nói.”
Và tới đây tôi những muốn bổ sung là khi ông Wopsle nhắc tới tôi,
ông tiện tay vò đầu tôi làm tóc chọc cả vào mắt, coi đó như một phần cần
thiết khi đề cập. Tôi chẳng thể hiểu nổi tại sao vị khách nào ở vị thế của ông
ta từng tới thăm nhà chúng tôi cũng cứ nhất thiết buộc tôi phải trải qua cùng
quá trình khó chịu như vậy trong hoàn cảnh tương tự. Dù không nhớ nổi hồi
còn bé tôi có từng bao giờ là chủ đề nhận xét trong phạm vi xã giao của gia
đình không, song đúng là cũng đã từng có người với đôi tay thật to tỏ ý
chiếu cố theo các bước y chang như vậy.