tóm lại, bất cứ điều gì tôi biết Biddy cũng biết, về mặt lý thuyết, cô đã là
một thợ rèn lành nghề chẳng kém gì tôi, thậm chí còn hơn.
“Biddy này, em là một trong những người tận dụng tốt nhất mọi cơ
hội,” tôi nói. “Trước khi tới đây em chưa bao giờ có cơ hội, và nhìn xem em
đã tiến bộ tới mức nào!”
Biddy nhìn tôi một lát, rồi tiếp tục khâu. “Dù sao em cũng là cô giáo
đầu tiên của anh mà, đúng không nào?” cô vừa khâu vừa lên tiếng.
“Biddy!” tôi thốt lên kinh ngạc. “Sao thế, em đang khóc kìa!”
“Không, em đâu có khóc,” Biddy ngước lên và bật cười. “Cái gì làm
anh nghĩ thế chứ?”
Điều gì có thể làm tôi nghĩ thế ngoài một giọt lệ lấp lánh khi nó rơi
xuống món đồ cô đang khâu? Tôi ngồi im lặng, nhớ lại cô từng chẳng khác
gì nô lệ cho tới khi bà cô ông Wopsle vượt qua được thói xấu sống dai của
bà, một người vốn được vài người cực kỳ mong thoát khỏi. Tôi nhớ lại tình
cảnh vô vọng cô từng lâm vào trong cửa hiệu tồi tàn nhỏ xíu với lớp học ban
đêm nhốn nháo cũng nhỏ xíu tồi tàn đó, với bà lão già nua khốn khổ vô tích
sự luôn phải để tâm chăm sóc. Tôi ngẫm lại ngay cả trong quãng thời gian
vô vọng đó hẳn bên trong Biddy cũng đã ẩn chứa những điều giờ đây đang
phát triển, vì ngay từ lần đầu tiên cảm thấy bất an không hài lòng tôi đã tìm
đến cô nhờ giúp đỡ như lẽ tự nhiên. Biddy ngồi khâu thoăn thoắt, không nhỏ
thêm giọt nước mắt nào nữa, và trong khi nhìn cô đồng thời nghĩ về mọi
chuyện, tôi chợt nghĩ có lẽ tôi đã không biết ơn Biddy đúng mức. Có thế tôi
đã quá dè dặt, và đáng ra phải chiếu cố tới cô nhiều hơn (cho dù tôi không
dùng chính xác từ này trong dòng suy nghĩ của mình) bằng cách chia sẻ tâm
sự.
“Đúng vậy, Biddy,” tôi nhận xét sau khi đã nghĩ xong xuôi, “em là cô
giáo đầu tiên của anh, và vào một thời kỳ cả anh và em đều không nghĩ sẽ có
lúc ngồi với nhau như lúc này, trong căn bếp này.”
“A phải, tội nghiệp!” Biddy đáp. Con người quên mình của cô luôn
có thói quen chuyển câu nhận xét sang chị tôi, rồi đứng dậy bận bịu chăm
sóc chị, làm chị thoải mái hơn, “thật buồn đúng là như thế!”