“À, nếu thế,” anh ta nói, “tôi sẽ là đồ khỉ gió nếu không tự đưa cô
cậu về nhà!”
Hình phạt bị biến thành đồ khỉ gió là một thứ lựa chọn mê tín ưa
thích của anh ta. Theo như tôi biết, anh ta chẳng hề gắn nó với một ý nghĩa
cụ thể nào, mà sử dụng nó, cũng như cái tên thánh anh ta giả bộ coi là của
mình, chỉ để sỉ nhục nhân loại và thể hiện ý tưởng về một thứ hủy hoại tàn
tệ. Khi còn nhỏ hơn, tôi từng tin là nếu anh ta mà có thể biến tôi thành đồ
khỉ gió, chắc anh ta đã làm vậy bằng một cái móc nhọn hoắt uốn xoắn.
Biddy rất bực bội về chuyện anh ta đi theo chúng tôi, và thì thầm với
tôi, “Đừng có để anh ta lại đây; em không thích anh ta.” Và vì tôi cũng
chẳng thích gì anh này, tôi tự cho mình lên tiếng đáp rằng chúng tôi cảm ơn
anh ta, nhưng không muốn được ai đưa về nhà. Anh ta ré lên cười đón nhận
câu trả lời, rồi lùi lại, nhưng vẫn thõng vai bám theo sau cách chúng tôi một
quãng.
Tò mò muốn biết liệu Biddy có nghi ngờ anh ta can dự vào vụ hành
hung mà chị tôi không bao giờ có khả năng thuật lại nội tình, tôi hỏi vì sao
cô không ưa anh ta.
“Ô!” cô đáp, ngoái nhìn lại trong khi anh ta vẫn thõng vai bám theo
sau chúng tôi, “vì em… em sợ là anh ta thích em.”
“Anh ta đã bao giờ nói với em là thích em chưa?” tôi phẫn nộ hỏi.
“Chưa” Biddy nói, lại ngoái nhìn đằng sau, “anh ta chưa bao giờ nói
vậy với em; nhưng anh ta cứ tán tỉnh em mỗi khi bắt gặp ánh mắt em.”
Cho dù hình thức biểu hiện sự gắn bó này có mới mẻ lạ thường thế
nào chăng nữa, tôi vẫn không nghi ngờ mảy may độ chính xác của phần giải
nghĩa. Thực sự tôi đã nổi nóng về chuyện Orlick Già dám ngưỡng mộ cô;
nổi nóng như thể chính tôi bị xúc phạm vậy.
“Nhưng điều đó cũng chẳng có gì khác với anh cả, anh biết mà,”
Biddy bình thản nói.
“Không, Biddy, với anh không có gì khác cả; có điều anh không
thích chuyện đó; anh không thể tán thành chuyện đó.”