“Nào!” ông Trabb lên tiếng khá niềm nở. “Chào anh bạn trẻ, tôi có
thể làm gì cho cậu nhỉ?”
Ông Trabb đã cắt cái bánh mì còn nóng hổi thành ba lát mỏng như ba
tấm đệm lông chim, và đang phết bơ vào giữa mấy lớp rồi úp các lát bánh
lên nhau. Ông thợ may là một người đàn ông độc thân giàu có, khung cửa sổ
để mở của căn phòng nhìn ra khoảnh vườn nhỏ tươi tốt và một vườn cây ăn
quả, có một cái két sắt phong lưu gắn trong tường cạnh lò sưởi, và tôi tin
chắc tất cả của nả gia tài của ông ta đang được chất đống từng túi trong đó.
“Thưa ông Trabb,” tôi nói, “tự mình nói ra chuyện này kể cũng
không hay lắm vì nghe sẽ có vẻ như khoe khoang; nhưng cháu vừa có được
một gia tài đáng kể.”
Ông Trabb bỗng thay đổi hẳn. Ông ta bỏ quên món bơ phết trên bánh
mì, đứng dậy khỏi giường, chùi ngón tay lên khăn trải bàn và thốt lên,
“Chúa ban phước cho linh hồn con!”
“Cháu sắp lên chỗ người giám hộ của cháu trên London,” tôi vừa nói
vừa dửng dưng lấy mấy đồng guinea từ trong túi ra xem, “nên cháu muốn
may một bộ đồ thích hợp để đi đường. Cháu muốn trả công may đồ,” tôi nói
thêm - nếu không như vậy tôi nghĩ rất có thể ông ta sẽ chỉ giả vờ may, “bằng
tiền mặt.”
“Quý ông trẻ tuổi thân mến,” ông Trabb lên tiếng, trang trọng cúi
người xuống và dang rộng hai cánh tay ra, rồi tự cho phép mình chạm vào
tôi ở mé ngoài hai bên khuỷu tay, “đừng làm tôi tổn thương khi nhắc tới điều
đó. Cho phép tôi chúc mừng cậu được chứ? Cậu có thể làm ơn vào trong cửa
hàng không?”
Cậu phụ việc của ông Trabb là thiếu niên trơ tráo nhất trong vùng.
Khi tôi bước vào, cậu ta đang quét cửa hàng, và cố làm cho công việc của
mình ngọt ngào hơn bằng cách quét hắt vào tôi. Cậu ta vẫn đang cặm cụi
quét khi tôi đi vào cửa hàng cùng ông Trabb, và khua chổi vào mọi góc cạnh
và chướng ngại vật có thể gặp để thể hiện (theo như tôi hiểu) sự bình đẳng
với bất cứ anh chàng thợ rèn nào, dù còn sống hay đã chết.