Tôi đang trầm ngâm suy tư về sự vĩ đại của người giám hộ mình thì
Wemmick nhận xét:
“Còn về sự vắng mặt của những cái đĩa, đó chỉ là chiều sâu tự nhiên
của ông ấy thôi, cậu biết đấy. Một con sông có độ sâu tự nhiên của nó, và
ông ấy cũng thế. Hãy nhìn dây đeo đồng hồ của ông ấy mà xem. Trông nó
cũng khá ra trò.”
“Nó rất to,” tôi nói.
“To ư?” Wemmick nhắc lại. “Tôi nghĩ là vậy. Và cái đồng hồ của
ông ấy là một chiếc đồng hồ vàng có đổ chuông báo định kỳ, và đáng giá cả
trăm bảng cho dù có được mua bằng một penny đi chăng nữa. Cậu Pip, trong
thành phố này có khoảng bảy trăm tay trộm biết tường tận về cái đồng hồ
đó; không có người nào trong bọn họ, dù là đàn ông, đàn bà hay trẻ con, lại
không nhận ra từng mắt của cái dây đeo đó, mà không lập tức buông nó ra
như thể nó đang nóng đỏ nếu có bị dụ dỗ chạm vào.”
Bắt đầu với câu chuyện này, và tiếp theo là một cuộc hội thoại có
tính chất chung chung hơn, ông Wemmick và tôi quên đi thời gian và con
đường cho tới khi ông ta làm tôi hiểu chúng tôi đã tới khu Walworth.
Có vẻ như nơi này là một tập hợp những đường hẻm, con mương và
các khu vườn nhỏ, thể hiện hơi hướng của một chốn nương thân khá buồn
tẻ. Nhà Wemmick là một căn nhà gỗ nhỏ nằm giữa các mảnh vườn, phần
trên nóc được tạo hình và sơn vẽ như một công sự kê đầy đại bác.
“Tự tôi làm đấy,” ông Wemmick nói. “Trông đẹp phải không nào?”
Tôi nhiệt liệt tán thưởng tác phẩm, và nghĩ rằng đây là căn nhà nhỏ
nhất tôi từng thấy, với những khung cửa sổ kiểu gô tích kỳ cục nhất (và phần
lán chỉ là cửa giả), cùng một cửa ra vào kiểu gô tích gần như quá nhỏ không
đủ chỗ đi vào.
“Đó là một cột cờ thực sự, cậu thấy đấy,” ông Wemmick nói, “và vào
các Chủ nhật, tôi kéo lên một lá cờ hẳn hoi. Và giờ hãy nhìn đây. Sau khi tôi
đã băng qua cây cầu này, tôi kéo nó lên như thế - và cắt đứt sự liên lạc.”