vị khách kia một cú ra trò. Về tất cả những mặt này, ông ta đặc biệt giống
con chó.
“Cháu sợ là ông sẽ chẳng chừa lại tí nào cho người kia,” tôi rụt rè
nói; sau một hồi im lặng đắn đo xem liệu có lịch sự không khi đưa ra lời
nhắc nhở như thế. “Chẳng còn gì để lấy thêm ở cái chỗ đã lấy này đâu.”
Hiển nhiên chính sự thật này đã thôi thúc tôi đưa ra lời bóng gió.
“Chừa lại cho người kia ư? Người kia nào?” ông bạn của tôi hỏi,
dừng lại trong khi đang nhai ngấu nghiến vỏ bánh.
“Người đàn ông trẻ tuổi. Người ông nói đến ấy. Người cùng lẩn trốn
với ông.”
“À à!” ông ta đáp, kèm theo âm thanh nghe như tiếng cười khùng
khục. “Hắn ư? Phải rồi, phải rồi! Hắn không muốn ăn gì cả đâu.”
“Cháu nghĩ chú ấy nhìn có vẻ rất cần đấy,” tôi nói.
Người đàn ông ngừng nhai, và nhìn tôi cực kỳ chăm chú với vẻ kinh
ngạc tột độ.
“Nhìn ư? Lúc nào?”
“Vừa mới đây thôi ạ.”
“Ở đâu?”
“Đằng kia,” tôi vừa nói vừa chỉ, “ngay đằng kia kìa, cháu gặp chú ấy
ngồi ngủ gật ở đó, và cứ nghĩ đó là ông.”
Ông ta chộp lấy cổ áo tôi và cứ thế nhìn tôi chằm chằm, khiến tôi bắt
đầu nghĩ ý tưởng cắt cổ tôi lúc ban đầu đang sống dậy trong ông ta.
“Ăn mặc hệt như ông, ông biết đấy, chỉ là có đội mũ,” tôi vừa giải
thích vừa run lẩy bẩy, “và… và” - tôi khổ sở cố nghĩ cách nói sao cho thật tế
nhị - “và có… cùng lý do để muốn mượn một cái giũa. Ông có nghe tiếng
đại bác nổ tối qua không?”
“Vậy là có súng nổ!” người đàn ông tự nói một mình.
“Cháu không nghĩ ông lại không biết chắc chuyện đó,” tôi nói tiếp,
“vì cả nhà cháu nghe thấy rõ ở nhà, mà nhà cháu còn ở xa hơn, cả nhà lại ở