với anh ta và kể cho anh ta nhiều chuyện; hay, đúng là cậu nhóc khinh suất
liều lĩnh nhất tôi từng biết, có thể sẽ rao toáng anh ta trên phố High. Và cả
quý bà bảo trợ cho tôi có thể cũng nghe nói về anh ta và không tán thành.
Tóm lại, tôi quyết định không mang Kẻ Báo thù theo.
Tôi đã đặt chỗ trên chuyến xe trạm buổi chiều, và vì giờ đã đến mùa
đông, hai hay ba giờ sau khi trời tối hẳn tôi mới tới nơi. Xe khởi hành từ
Cross Keys lúc hai giờ. Tôi đến chỗ đợi xe sớm mười lăm phút, với Kẻ Báo
thù tháp tùng - nếu tôi có thể gắn liền cách diễn đạt đó với một kẻ chưa bao
giờ bận lòng quan tâm tới tôi nếu có thể miễn được cho mình trách nhiệm
này.
Vào thời đó, người ta vẫn thường dùng xe trạm để chở tù khổ sai tới
các bến tàu. Vì tôi vẫn hay nghe nói về bọn họ với tư cách hành khách ngồi
ngoài xe, và từng hơn một lần thấy họ trên đường lớn đung đưa đôi chân đeo
xiềng sắt trên nóc xe trạm, tôi chẳng có lý do gì để ngạc nhiên khi Herbert,
tình cờ gặp tôi ở sân chờ, bước lại gần và cho tôi hay có hai tù khổ sai đi
cùng chuyến xe với tôi. Nhưng tôi có một lý do, giờ đây đã trở thành xưa cũ,
để bồn chồn mỗi khi nghe thấy mấy chữ “tù khổ sai”.
“Cậu không ngại bọn chúng chứ, Handel?” Herbert hỏi.
“Ồ, không!”
“Tớ nghĩ cậu có vẻ không thích chúng thì phải?”
“Tớ không thể giả bộ là thích chúng, và tớ đoán cậu cũng vậy thôi.
Nhưng tớ không bận tâm đến chúng.”
“Nhìn xem! Chúng kia kìa,” Herbert nói, “từ quán rượu chui ra. Một
cảnh tượng mới tha hóa xấu xa làm sao!”
Tôi đoán mấy tay tù đã thết đãi người áp giải chúng, vì hai gã đi
cùng một cai ngục, và cả ba đi ra trong khi tay vẫn đang chùi miệng. Hai
người tù khổ sai bị còng tay vào nhau, chân đeo xiềng sắt - thứ xiềng sắt có
hình dạng tôi biết rất rõ. Cả hai đều mặc thứ trang phục tôi cũng lại biết rất
rõ. Người áp giải chúng có một cặp súng ngắn và kẹp dưới cánh tay một cái
dùi cui đầu to tướng; nhưng ông ta có vẻ đang rất ăn ý với hai người tù,