“Có thể,” bạn tôi đáp, “nhưng không thể biết được.”
“Tôi rất mừng có cơ hội tạm biệt ông, ông Wemmick,” người đàn
ông vừa nói vừa chìa tay qua giữa hai song sắt.
“Cảm ơn ông,” Wemmick nói, bắt tay người tù. “Cả tôi cũng vậy, đại
tá.”
“Nếu những gì tôi có trên người khi bị bắt là thật, ông Wemmick,”
người đàn ông nói, không muốn buông tay ra, “hẳn tôi đã thỉnh cầu ông đeo
thêm một chiếc nhẫn nữa - để đền đáp sự quan tâm của ông.”
“Tôi nhận tấm lòng của ông là được rồi,” Wemmick nói. “Nhân tiện;
ông vốn là một người nuôi bồ câu khá.” Người đàn ông ngước nhìn lên trời.
‘Tôi nghe nói ông có một giống bồ câu nhào lộn rất đáng chú ý. Ông có thể
nhờ người bạn nào của mình mang đến cho tôi một đôi được không, nếu ông
không định dùng chúng thêm vào việc gì nữa?”
“Việc đó sẽ được làm, thưa ông.”
“Được rồi,” Wemmick nói, “chúng sẽ được chăm lo. Chúc buổi
chiều tốt lành, đại tá. Tạm biệt!” Hai người lại bắt tay, và trong khi chúng tôi
rời đi, Wemmick nói với tôi, “Một tay đúc tiền giả, một người có tay nghề
rất giỏi. Ngài Thẩm phán tòa Thượng thẩm đã ra phán quyết hôm nay rồi, và
chắc chắn ông ta sẽ bị hành hình vào thứ Hai. Nhưng cậu cũng thấy đấy, nói
sao thì nói, một đôi bồ câu dù gì vẫn là tài sản có thể mang theo người.” Nói
đoạn, ông ta quay người lại sau, gật đầu về phía cái cây chết nọ, rồi đưa mắt
nhìn quanh trong lúc bước ra khỏi sân nhà ngục như thể đang cân nhắc xem
đặt chậu cây nào vào thế chỗ nó là tốt nhất.
Khi chúng tôi qua phòng thường trực rời khỏi nhà tù, tôi nhận ra tầm
quan trọng lớn lao của người giám hộ mình, những người giữ chìa khóa nhà
tù coi trọng ông ta không kém gì những kẻ họ giam giữ coi trọng ông. “À
này, ông Wemmick,” người giữ chìa khóa lên tiếng, ông ta giữ chúng tôi lại
giữa hai cánh cổng phòng chờ đóng đinh tán và lắp song sắt, cẩn thận khóa
một cánh cổng lại trước khi mở khóa cánh cổng kia ra, “ông Jaggers định sẽ
làm gì với vụ giết người bên bờ sông vậy? Ông ấy có định biến nó thành sát
nhân hay cái gì khác hả?”