nữa, con đường của chúng ta vẫn khác nhau. Ông ướt cả rồi, và trông có vẻ
mệt mỏi. Ông uống gì đó trước khi đi chứ?”
Vị khách đã hơi nới khăn quàng cổ ra, và đứng chăm chú quan sát tôi
trong khi cầm đầu khăn rũ dài xuống lên miệng cắn. “Tôi nghĩ,” ông ta trả
lời, vẫn ngậm đầu khăn trong miệng và vẫn quan sát tôi, “tôi sẽ uống chút gì
đó (tôi cảm ơn cậu) trước khi tôi đi.”
Có một cái khay bày sẵn trên bàn kê cạnh tường. Tôi bê nó đặt
xuống chiếc bàn gần lò sưởi, và hỏi vị khách ông muốn uống gì? Ông chạm
tay vào một trong số những cái chai mà không nhìn vào nó hay nói gì, vậy là
tôi pha cho ông một ít rượu rum nóng và nước. Tôi cố giữ để tay mình
không run trong lúc pha, nhưng ánh mắt ông ta hướng vào tôi trong khi ông
ta ngả người ra sau trên ghế, cái đầu khăn thả dài ngậm giữa hai hàm răng -
và rõ ràng đã bị quên bẵng - làm tôi khó lòng kiểm soát được bàn tay mình.
Khi cuối cùng cũng đưa được cái ly cho ông ta, tôi kinh ngạc thấy đôi mắt
ông ta giàn giụa nước mắt.
Cho tới lúc này tôi vẫn đứng, không hề che giấu chuyện tôi muốn
ông đi khỏi. Nhưng tôi trở nên mềm lòng trước bộ dạng tội nghiệp của vị
khách, và cảm thấy trong đó có một chút trách móc. “Tôi hy vọng,” tôi vừa
nói vừa hối hả rót chút gì đó vào một cái ly cho mình, rồi kéo một chiếc ghế
lại gần bên bàn, “là ông không nghĩ vừa rồi tôi nói nặng với ông. Tôi không
hề có ý làm vậy, và tôi xin lỗi nếu đã làm thế. Tôi chúc ông may mắn và
hạnh phúc!”
Khi tôi cầm cốc đưa lên môi, vị khách đưa mắt nhìn đầy ngạc nhiên
vào đầu cái khăn quàng cổ của mình, thả rơi nó khi ông ta há miệng ra, rồi
chìa bàn tay lại, rồi ông ta uống và đưa tay áo lên lau mắt và trán.
“Ông sống như thế nào?” tôi hỏi.
“Tôi đã từng làm người chăn cừu, nuôi gia súc, nhiều nghề khác nữa,
ở vùng Tân Thế giới,” ông ta nói, “cách nơi này hàng ngàn dặm biển đầy
bão tố.”
“Tôi hy vọng ông sống tốt chứ?”