Sau này, mẹ tôi kể với mấy anh em tôi bà đã khó nhọc ra sao mới tìm
được Quan.
- Hồi ấy, - bà nói, - các con chưa thể viết nổi một bức thư, dán nổi một
con tem gửi đến Xướng Miên. Mẹ đã phải trải qua hàng đống tệ nạn quan
liêu và điền vào hàng chục thứ đơn từ. Chẳng mấy ai bỏ công giúp một
người rời đất nước cộng sản. Dì Betty cho mẹ là đồ điên! Dì bảo: “Sao chị
có thể nhận một đứa con gái sắp trưởng thành, chẳng nói được một từ tiếng
Anh? Nó sẽ chẳng biết trái, phải hoặc tốt, xấu gì hết.”
Giấy tờ không phải là trở ngại duy nhất Quan phải vượt qua một cách vô
ý thức. Hai năm sau khi cha tôi mất, mẹ tôi lấy Bob Laguni, người mà
Kevin gọi là “cơ may trong lịch sử hẹn hò người nước ngoài nhập cư của
mẹ chúng ta, vì mẹ tưởng Laguni là người Mexico chứ không phải người
Ý”. Mẹ đổi theo họ của Bob, vì thế mấy anh em tôi có họ là Laguni, sau
này khi lấy Simon, tôi sung sướng đổi thành họ Bishop. Vấn đề là Bob
chẳng bao giờ muốn Quan đến. Còn mẹ tôi luôn đặt mong muốn của ông ta
lên trên của mọi người. Sau khi họ ly dị - hồi đó tôi đang ở trường đại học -
mẹ kể với tôi rằng ngay từ trước khi cưới, Bob đã ép mẹ hủy việc làm giấy
tờ cho Quan. Tôi thì cho là bà có ý định ấy rồi quên. Nhưng đây là lời mẹ
bảo tôi:
- Mẹ đã quan sát con cầu nguyện. Trông con dịu dàng và buồn bã lúc cầu
Chúa: “Xin Người mang chị con từ Trung Quốc đến cho con”.
Khi Quan đến nước này, tôi sắp lên sáu. Chúng tôi đợi chị ở khu vực hải
quan của sân bay San Francisco. Dì Betty cũng ở đó. Mẹ tôi bồn chồn và
kích động, bà nói không ngừng:
- Này các con, nghe nào, chắc là chị sẽ bẽn lẽn, vì thế các con đừng có
nhảy bổ vào chị… Chắc chị nó gầy guộc như cái cọc giàn, thế nên mẹ
không muốn bất cứ đứa nào chế nhạo chị…
Cuối cùng, khi nhân viên hải quan dẫn Quan vào hành lang nơi chúng tôi
đang đợi, dì Betty chỉ tay và nói:
- Nó kia kìa. Tôi bảo đấy chính là nó.