theo sản phẩm, vì thế cha không kiếm được nhiều lắm. Dì bảo cha nhanh trí
hơn là khéo tay. Ban đêm, cha và các bạn cùng lớp góp tiền mua dầu hỏa
đốt một cây đèn chung. Những đêm trăng tròn, họ không cần đèn. Họ ngồi
ngoài trời và học cho đến rạng đông. Chị cũng làm như thế lúc chị lớn lên.
Em biết điều đó không? Em có thấy ở Trung Quốc, trăng tròn vừa đẹp vừa
có lợi chưa?
Một đêm, khi cha trên đường về nhà, một tên say rượu từ trong phố hẻm
ra, chặn ông lại. Hắn huơ một chiếc áo khoác trong tay.
- Chiếc áo này, - hắn nói, - đã ở trong gia tộc ta nhiều thế hệ. Nhưng bây
giờ ta phải bán nó đi. Nhìn mặt ta xem, ta chỉ là một người bình thường có
cái họ rất phổ biến. Ta biết làm gì với cái áo khác thường này?
Cha nhìn cái áo choàng. Áo may bằng thứ vải rất tốt, đường may và kiểu
cắt rất hiện đại. Em phải nhớ rằng hồi ấy là năm 1948, Libby-ah, khi những
người Dân tộc chủ nghĩa và các Đảng viên Cộng sản đang đánh nhau giành
đất nước Trung Hoa. Ai mà có tiền mua chiếc áo này? Một nhân vật quan
trọng, một quan chức cỡ lớn, một kẻ nguy hiểm kiếm tiền của những người
dân sợ hãi đút lót. Cha chúng ta đầu óc không đến nỗi bã đậu. Hừ! Ông biết
tên say đã ăn cắp chiếc áo và cả hai người bọn họ có thể mất đầu vì buôn
bán thứ hàng như thế. Nhưng lúc cha đưa một ngón tay sờ lên cái áo, ông
như một con muỗi mắc trong mạng nhện. Chà! Cảm nhận các đường may
trên áo khoác của người giàu, cứ như gần hơn với cuộc sống khấm khá. Lúc
đó, một ý nghĩ nham hiểm dẫn đến một khát khao nguy hiểm, khát khao
nguy hiểm dẫn đến một ý tưởng nguy hiểm.
Ông quát tên say:
- Ta biết đây là áo ăn cắp, vì ta biết chủ nhân của nó. Nhanh lên! Hãy cho
ta biết anh lấy nó ở đâu hoặc ta gọi cảnh sát! - Tên trộm hoảng hồn buông
rơi cái áo và chạy mất.
Trong căn phòng nhỏ của gia đình, cha đưa mẹ xem chiếc áo. Mẹ kể với
chị rằng sau này, mỗi lần xỏ vào tay áo, cha lại hình dung sức mạnh của
người chủ cũ truyền khắp toàn thân. Cha tìm thấy một đôi kính dày trong