ngăn chặn”, chị thích câu châm ngôn ấy. Quan không sâu sắc cũng chẳng
tinh tế; mọi việc cứ hiển hiện ngay trên bề mặt, ai cũng nhận thấy. Có điều
là, chưa từng có ai đoán chúng tôi là chị em.
Có lần Kevin đùa, có lẽ những người Cộng sản đã gửi nhầm cho chúng
tôi một đứa trẻ, họ tưởng người Mỹ chúng tôi thấy người Trung Quốc ai ai
cũng giống nhau. Nghe thấy thế, tôi mơ có ngày chúng tôi nhận được một
bức thư từ Trung Quốc viết: “Xin lỗi các vị. Chúng tôi đã nhầm”. Về nhiều
mặt, Quan chẳng bao giờ ăn nhập với gia đình tôi. Bức ảnh Giáng sinh
hàng năm trông cứ như câu đố trẻ con: “Ảnh này có gì sai?”. Năm nào,
Quan cũng đứng hàng trước và ở giữa, mặc quần áo mùa hè màu sắc rực rỡ,
cài nơ con bướm bằng nhựa ở hai bên đầu, cười ngớ ngẩn rộng đến mang
tai. Cuối cùng, mẹ tôi tìm cho Quan việc phụ hầu bàn trong một nhà hàng
Trung-Mỹ. Mất một tháng Quan mới nhận ra món ăn họ dọn là đồ ăn Tàu.
Thời gian chẳng có tác dụng gì đến việc Mỹ hóa chị hoặc làm chị giống cha
chúng tôi.
Trong khi đó, người ta bảo tôi giống ông nhất, cả về nhân dạng lẫn tính
cách.
- Xem kìa, Olivia ăn bao nhiêu cũng chẳng lên được một gam, - dì Betty
nói mãi. - Y hệt Jack.
Có lần mẹ tôi bảo: “Olivia cứ phân tích từng chi tiết cho đến chết. Nó có
khả năng kế toán y như bố nó. Chẳng có gì lạ khi nó thành nhà nhiếp ảnh”.
Những lời nhận xét ấy làm tôi tự hỏi gien nào của cha đã truyền sang tôi.
Tôi đã thừa hưởng của ông tính kín đáo, thích ăn quả chấm muối, hay sợ vi
trùng?
Ngược lại, Quan là một máy phát điện bé xíu, chỉ cao mét rưỡi, vụng về.
Mọi thứ về chị đều ầm ĩ và loảng xoảng. Chị mặc áo khoác kẻ ô đỏ tía ra
ngoài quần chẽn màu lam. Chị thì thào rất to bằng giọng khàn khàn như thể
bị viêm thanh quản kinh niên, trong khi chị chẳng bao giờ ốm đau. Chị ban
phát những lời khuyến cáo về sức khoẻ, giới thiệu các loại thảo dược và
phát biểu ý kiến về cách sửa chữa mọi thứ, từ cái tách đến cuộc hôn nhân
tan vỡ. Chị nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác, khuyên đến những nơi