mặc áo nâu bóng kia chạy xuống ván cầu - ai mà biết vì sao? - dặn dò
những người phu thuyền, bảo họ cẩn thận hơn. Bất thình lình, tấm ván cầu
nảy lên, cái rương lắc lư, những người phu đung đưa, còn năm người nước
ngoài trên tàu bắt đầu la hét. Tới và lui, lên rồi xuống, cái nhìn của chúng
tôi bám theo những người phu thuyền căng hết các cơ, còn người nước
ngoài bóng loáng kia vẫy vẫy cánh tay như một con chim non. Tiếp đó,
người phu già hơn ở đầu ván hét lên một tiếng chói tai - tôi nghe thấy tiếng
rắc, xương vai ông ta bị gãy. Hai người cu li, cái rương và người nước
ngoài kia rơi tùm xuống làn nước bên dưới.
Tôi chạy đến mép sông. Người cu li trẻ hơn đã bơi đến bờ, hai người dân
chài trên con thuyền nhỏ đuổi theo vớt các thứ tràn ra khỏi rương, quần áo
sặc sỡ cuồn cuộn như những cánh buồm, những cái mũ cắm lông chim lềnh
bềnh như đàn vịt, những đôi găng dài chĩa ra trong nước như những ngón
tay ma. Nhưng chẳng có ai thử giúp người phu thuyền bị thương hoặc
người nước ngoài sáng bóng. Những người nước ngoài kia thì không rồi,
họ sợ bước xuống ván cầu. Dân bản địa trên bờ cũng không nốt, nếu họ
cưỡng lại số phận, họ sẽ phải chịu trách nhiệm để hai người kia không bị
chìm. Nhưng tôi không nghĩ thế. Tôi là một người Khách Gia. Dân Khách
Gia là người thờ phụng Thượng đế. Những người thờ phụng Thượng đế là
các nhà truyền giáo. Vì thế tôi vớ một trong những cái đòn gánh bằng tre
rơi xuống nước. Tôi chạy dọc bờ sông và giơ cái đòn ra, để dây rợ lòng
thòng xuống nước. Người cu li và người nước ngoài vồ lấy những sợi dây
bằng những bàn tay nôn nóng. Tôi cố hết sức kéo họ vào.
Ngay sau đó, những người dân bản địa gạt tôi sang một bên. Họ để người
phu thuyền bị thương trên đất, thở hổn hển và nguyền rủa. Người đó là Lão
Lục, sau này làm người gác cổng, từ khi bị gãy xương vai lão không làm cu
li được nữa. Còn cô Banner, dân Bản địa kéo cô lên chỗ bờ cao hơn, cô hết
nôn mửa lại kêu gào. Cuối cùng, khi những người nước ngoài rời thuyền,
dân bản địa chen chúc quanh họ, kêu to:
- Cho chúng tôi tiền.