- Ý em là gì? Chủ con bốcxơ phải trả chứ.
- Ồ không, ông ta không trả. Quan chỉ bảo lẽ ra anh không nên có ý thích
tệ thế. Em đã kể với anh rồi, nhớ chưa?
Simon méo miệng về một bên, vẻ nhăn nhó luôn báo trước một lời tuyên
bố đáng ngờ.
- Anh không nhớ việc đó, - anh ta nói.
- Tất nhiên là anh không nhớ! Anh chỉ nhớ những gì anh muốn nhớ!
Simon cười nhạo.
- Ồ, anh tưởng là em mới không chứ? - Tôi chưa kịp phản ứng, anh ta đã
giơ hai tay lên, lòng bàn tay hướng ra ngoài, ngăn tôi lại, - Anh biết, anh
biết. Em có một trí nhớ kinh khủng! Em không bao giờ quên thứ gì! Thôi
được, để anh nói cho mà nghe, bộ sưu tập từng chi tiết của em rồi sẽ chẳng
ích gì cho hồi ức. Như thế gọi là giữ mãi sự thù hận chết tiệt.
Lời Simon nói làm tôi thao thức suốt đêm. Liệu tôi có phải là loại người
cứ khư khư giữ mãi sự oán giận không? Không, Simon mới là người bảo
thủ, thích quăng ra những lời chua cay. Biết làm thế nào nếu sinh ra tôi đã
có sở trường nhớ đủ mọi thứ?
Dì Betty là người đầu tiên bảo tôi có trí nhớ như chụp ảnh; nhận xét của
dì làm tôi tin mình sẽ trở thành một nhà nhiếp ảnh. Sở dĩ dì nói thế vì có lần
tôi đã sửa lại cho dì khi kể trước một đám người về bộ phim chúng tôi cùng
xem. Giờ đây, kiếm sống bằng nghề chụp ảnh đã mười lăm năm, tôi không
biết người ta muốn gì nhờ trí nhớ như chụp ảnh. Tôi nhớ lại quá khứ không
như lướt qua một đống ảnh chụp vội. Phải lựa chọn cẩn thận hơn thế.
Nếu có người hỏi địa chỉ của tôi hồi lên bảy, những con số sẽ không lóe
lên trước mắt tôi. Tôi phải nhớ lại một khoảnh khắc đặc biệt: hơi nóng ban
ngày, mùi cỏ mới cắt, tiếng sàn sạt của dây dép da xát vào gót chân tôi. Một
lần nữa, tôi như đang leo lên hai bậc hiên bê tông, thò tay vào hòm thư màu
đen, tim đập thình thịch, ngón tay nắm lấy - Nó đâu nhỉ? Bức thư ngớ ngẩn
từ Art Linkletter
mời tôi tham dự chương trình của ông đâu rồi? Nhưng tôi
không từ bỏ hy vọng. Tôi tự nhủ, nhỡ tôi đề nhầm địa chỉ. Nhưng không,