sau chiến tranh, có những người không làm nên trò trống gì như chị cũng
đã được nhận huân chương. Phải công bằng chứ. Hiến cơ thể và hơi ấm của
mình, dù chỉ đổi lấy vài xu thôi, ai là người có khả năng ấy?
Vào năm 23, Agathe Blachard đã đóng cửa sổ, cửa chính, xách một vali
khá nhẹ, không từ biệt ai mà đi thẳng đến V. Từ đó, chị đã lên tàu tốc hành
đến Chalons. Ở Chalons, chị đã đổi tàu để đi Paris. Ba ngày sau chị đã ở
cảng Havre, nơi mà chị lên một con tàu tên là Boréal. Hai tháng sau, chị
đáp xuống Úc.
Theo sách vở thì ở Úc có sa mạc, có kangouru, có chó hoang, có những
miền đất bằng phẳng, bất tận, có những người còn sống như thời hang động
và có những thành phố mới toanh. Tôi không biết có nên tin hay không.
Sách vở nhiều khi nói dối. Tất cả những gì mà tôi biết, đó là ở Úc, từ năm
1923 có người đàn bà goá bụa tên là Blachard. Có thể ở đó chị đã đi bước
nữa. Cũng có thể chị đã có con và mở tiệm buôn bán. Có thể ai cũng chào
chị một cách kính cẩn với một nụ cười rất tươi. Có thể bằng cách để những
đại dương ngăn cách chị và chúng tôi, chị đã có thể hoàn toàn quên chúng
tôi, chị đã có thể trở lại trong trắng, không quá khứ, không vất vả, khổ đau,
không gì hết. Có thể như vậy.
Điều chắc chắn là, cái buổi tối đáng nhớ ấy, không một thương binh nào
ở nhà chị. Tất cả đều đổ ra đường đông nghịt, và hầu hết đều say mèm, trêu
chọc những người qua đường, chửi rủa rồi nôn mửa, rồi đứng thành băng
thành nhóm. Thế là Joséphine, cùng với chiếc xe ba gác của mình, đi đường
vòng để tránh những người thương binh đó. Thay vì xuống phố Pressoir, rồi
đến phố Mesiaux, đi dọc theo nhà thờ, vòng sau tòa thị chính và đi thẳng
đến nghĩa địa tới tận cái lều lụp xụp của mình, cô ấy đi dọc theo bờ kênh
nhỏ cho dù hơi xa, cho dù với chiếc xe ba gác của mình, chiếc xe lại đầy ắp
nữa chứ, chị biết là mình sẽ khó nhọc. Cho dù đường vòng này xa hơn một
cây số.