than thở. Cả cái sân tối om. Trên trời cao hàng chục vì sao lấp lánh, còn
trước mặt chúng tôi là cửa sổ văn phòng ông thị trưởng, sáng trưng và phía
trong cửa sổ ấy, như trong một vở kịch dành cho trẻ em, một cảnh tượng
siêu thực hiện ra, đó là cảnh hai người đàn ông mặt đỏ hây hây đang ăn
uống thoả thuê bên một chiếc bàn đầy thức ăn đồ nhậu mà không hề bận
tâm đến bất cứ việc gì.
“Tôi trở lại văn phòng, thế là lão đại tá lại bảo tôi chờ ở phòng bên cạnh
rồi họ sẽ gọi. Tôi vào phòng bên, ngồi xuống một chiếc ghế băng và bẻ
ngón tay chờ đợi. Tôi tự hỏi là mình phải làm gì bây giờ. Gian phòng này
cũng có một cửa sổ, và từ đó người ta có thể thấy cái sân con và tên tù nhân
bị trói vào thân cây. Tôi ngồi trong bóng đêm. Tôi muốn bật đèn lên để cậu
ta thấy tôi. Nhưng tôi xấu hổ. Tôi những muốn chạy đi, bỏ trốn nhưng bộ
quân phục không cho phép tôi làm chuyện đó, quân lệnh như sơn mà. Phải
là bây giờ thì tôi chả sợ gì, chắc chắn thế! Thi thoảng, tôi có nghe giọng
nói, tiếng cười của bọn họ, rồi tôi nghe tiếng bước chân người hầu ông thị
trưởng đưa những món ăn nóng hổi thơm ngon đến. Nhưng ngày hôm đó,
mùi thơm đó chẳng khác gì mùi hôi thối kinh khủng ngập vào hai lỗ mũi.
Tôi ấm ức lắm. Tôi hận tôi vì làm một con người.”
Louisette chạy đi chạy lại thế. “Trời rét đến nỗi mà nếu bắt được chồng
ngoại tình thì cũng không nỡ tống ra ngoài!”, chị nói với tôi như thế. Bữa
ăn kéo dài hàng giờ. Mierck và Matziev có đủ thời gian mà. Bọn họ tha hồ
thưởng thức, bữa ăn và những thứ còn lại. Khi vào phòng, Louisette không
nhìn ngó xung quanh. Đó là cái tật của chị ấy. Mắt khi nào cũng chằm
chằm hai bàn chân của mình. Tối hôm đó chị lại càng như thế. “Hai ông ấy
làm em rất sợ, nhất là khi bọn họ bắt đầu say!” Chị chưa khi nào chứng
kiến cảnh thằng nhóc người Bretagne bị trói ở trong sân. Đôi khi không
nhìn thấy gì lại hoá ra được việc.
Thỉnh thoáng, lão đại tá ra ngoài cốt để nói với anh tù nhân đôi ba lời.
Lão nghiêng người nói vào tai cậu ta. Thằng nhóc người Bretagne run rẩy,