Phía bên kia bờ kênh nhỏ, gần như đối diện với chỗ có cánh cửa nhỏ
hướng về công viên Lâu đài, có phòng thí nghiệm của Nhà máy. Đó là một
tòa nhà không lớn lắm, dài thượt, trông như một cái lồng chim bằng thuỷ
tinh ngày đêm sáng choang. Nói ngày đêm là bởi vì Nhà máy không khi
nào ngừng làm việc và vì ở trong phòng thí nghiệm, hai kỹ sư phải trực để
kiểm tra số lượng và chất lượng của những gì từ bụng con quỷ đồ sộ đó
tuôn ra.
Khi tôi xin phép được nói chuyện với những người có làm việc tại đó
đêm xảy ra vụ án mạng, Arsène Meyer, trưởng phòng nhân sự, nhìn cái bút
chì trong tay rồi huơ mù.
“Cậu có định trả lời không?” Tôi hỏi thẳng anh ta. Chúng tôi quen nhau
lâu rồi, vả lại anh ta ít nhiều có mang ơn tôi: năm 1915, tôi đã nhắm mắt
làm ngơ khi anh cả của anh ta, một kẻ khốn nạn, đã chôm chỉa đồ đạc của
quân đội, chăn gối, bàn ăn và thức ăn được cất giữ trong các nhà kho gần
quảng trường Tự do. Tôi đã chửi thằng ngu này một trận. Thế là hắn ta
buộc phải trả đồ ăn cắp và tôi đã không báo cáo gì. Không ai phát hiện ra
điều gì cả.
“Bọn họ không còn ở đây nữa...Meyer bảo tôi.
- Thế họ đi từ khi nào?” Tôi hỏi lại.
Nghe thế anh ta lại nhìn bút rồi nói thầm điều gì đó. Tôi phải căng tai
mới nghe được.
“Họ đã sang Anh quốc, được hai tháng rồi...”
Anh Quốc gần như là tận cùng thế giới rồi, nhất là thời buổi chiến tranh.
Còn hai tháng trước đó là thời điểm không lâu sau vụ giết người.