trôi ra dòng rồi chìm xuống.
Tôi đưa mắt nhìn Destinat. Ông ta đã biến mất.
Cuộc sống tái diễn, như người ta vẫn thường nói, và chiến tranh đã kết
thúc. Bệnh viện ngày càng ít bệnh nhân hơn, đường phố cũng ngày càng
thưa thớt. Các quán cà phê ít khách lai vãng hơn và quán Agathe Blachard
cũng ít khách hàng hơn. Những người con trai đã trở về và những người
chồng cũng thế. Một số người nguyên vẹn, những người khác thì tàn phế.
Nhiều người không bao giờ xuất hiện nữa, điều này hẳn nhiên rồi, nhưng,
bất chấp sự thật hiển nhiên, một số người vẫn nuôi hy vọng nhìn thấy
chồng hoặc con của mình đi vòng góc phố, bước vào nhà, ngồi vào bàn và
chờ rượu vang. Những gia đình có người nhà làm việc tại Nhà máy đã trải
qua cuộc chiến không mấy lo âu hay thiếu thốn. Những người khác thì trái
lại phải kinh qua bốn năm kinh khủng. Mồ chôn càng được đào sâu hơn,
nhất là khi một vài người vừa thân thối xác rữa trong đó. Một số người
không nói chuyện với nhau nữa. Một số người khác thậm chí còn ghét bỏ
nhau.
Bassepin bắt đầu buôn công trình nghệ thuật. Một trong những công
trình đầu tiên mà ông ta bán lại là tác phẩm của chúng ta: một người đầy
lông lá, tay trái cầm cờ, tay phải cầm súng, người rướn lên phía trước, đầu
gối hơi cong, bên cạnh là một chú gà trống gaulois, to lớn và hãnh diện,
được nắm bắt vào khoảnh khắc mà chú ta sừng sộ gáy vang.
Ông thị trưởng làm lễ khánh thành công trình đó vào ngày 11 tháng 11
năm 1920. Ông ta đọc một bài diễn văn với giọng run run, bay bổng, mắt
trợn trợn trạo trạo. Sau đó ông ta đọc tên bốn mươi ba chàng trai xấu số của
thành phố đã hy sinh cho tổ quốc, đọc một tên xong ông ta dừng lại một
chốc để cho Aimé Lachepot, người canh giữ ruộng đồng, có thời gian dóng
lên một hồi trống nghiêm trang. Đàn bà phụ nữ thì rưng rức khóc, tất cả đều
bận đồ đen. Bọn trẻ con thì chìa tay cố kéo họ về phía quán Margot