Rồi hai người nói chuyện với nhau.
“Nhưng nói về chuyện gì?”, một hôm, mãi đến lâu sau này, tôi đánh liều
hỏi Bourrache.
Mắt Bourrache mất hút. Tưởng chừng như lão nhìn vào xa xăm hay nhìn
một hình ảnh mờ ảo. Mắt lão ta trở nên sáng hơn.
“Về con bé...”, lão nói, những giọt nước mắt lăn tròn trên hai bờ má râu
ria lởm chởm.
“Thì chủ yếu là ông Kiểm sát trưởng nói thôi, còn tôi chỉ lắng nghe.
Hình như ông ta hiểu con bé hơn cả tôi. Mặc dù thế, khi con bé còn ở bên
chúng tôi, tôi không bao giờ thấy nó nói chuyện với ông ta, chỉ nói đôi lời
khi mang bánh mì hay nước uống tới. Thế mà hình như ông ta biết hết về
con bé. Ông ta tả con bé, tả nước da, mái tóc, giọng nói líu lo, tả cái miệng
tròn ra sao, màu môi thế nào. Ông kể tên những danh hoạ trong lịch sử mà
tôi không biết rồi ông nói là con bé đă có thể có mặt trong những bức tranh
của họ. Rồi ông ta hỏi tôi rất nhiều về tính tình của con bé, về các tật nhỏ,
về những câu nói trẻ thơ, về bệnh tật, về những năm còn nhỏ của con bé và
thế là tôi phải kể, kể hoài kể mãi. Ông ta không bao giờ cảm thấy chán.
“Lần nào quay lại quán là y như ông ấy lại nói về chuyện ấy: “Bây giờ,
Bourrache tốt bụng của tôi, ta nói chuyện về con bé đi...”, ông ấy gợi ý. Tôi
thì tôi không muốn vì điều đó làm tim tôi đau nhói và nỗi đau này kéo dài
cả buổi chiều và buổi tối, nhưng tôi lại không dám nói cho ông Kiểm sát
trưởng biết điều đó và thế là tôi lại nói. Một giờ, hai giờ, tôi nghĩ là dù tôi
có nói mấy ngày liền cũng không làm ông ta chán. Tôi thấy lạ là ông ta lại
mê đứa con đã mất của tôi như thế, nhưng tôi lại tự nhủ là có thể do tuổi tác
nên ông ta hơi lẫn cẫn, thế thôi, do cô đơn và không con cái gì nên ông ta
trái tính như thế.