“Một hôm, ông ta còn hỏi tôi có bức ảnh nào của con bé cho ông không.
Ảnh úng thì anh xem chứ đắt đỏ lắm, có mấy ai chụp đâu. May là tôi có ba
tấm trong đó có một tấm chụp ba đứa con gái của tôi. Mẹ đỡ đầu của Hoa
đã muốn bức ảnh đó và đã trả tiền chụp. Bà ấy đã đưa cả ba đứa đến ông
thợ ảnh Isidore Kopierck, anh biết đấy, một người Nga ở phố Etats. Ông ta
đã bố trí cho hai đứa chị ngồi xuống đất trong một khung cảnh đầy cỏ và
hoa, còn Hoa thì đứng ở giữa, miệng tươi cười, đầy vẻ duyên dáng như Đức
mẹ Đồng trinh vậy. Bức ảnh này tôi có ba tấm, mỗi đứa mỗi tấm. Tôi đã
đưa tấm ảnh của Hoa cho ông Kiểm sát trưởng. Chắc anh đã thấy, tôi cho
ông ta ảnh mà như cho một mỏ vàng vậy! Người ông ta run lên, miệng cảm
ơn rối rít, tay siết chặt tay tôi thật chặt.
“Lần cuối ông ấy đến là một tuần trước khi mất. Vẫn thói quen ấy, những
món ăn, ly cà phê, chai rượu mạnh và chuyện trò. Vẫn hỏi những câu hỏi
như cũ về con bé, hoặc gần như thế, xong xuôi, sau một hồi im lặng, ông ấy
thầm thì với tôi với giọng đọc bản án: “Con bé chưa biết đến cái ác, nó đã
ra đi mà không hay biết gì, vậy mà chúng ta, cái ác đã biến chúng ta thành
những con người thật xấu xí...” Rồi ông ấy đứng dậy, chậm chạp, siết chặt
tay tôi rất lâu. Tôi giúp ông ấy khoác áo vào. Ông ấy cầm mũ, nhìn quanh
phòng như để đo xem rộng hẹp thế nào. Tôi mở cửa và nói, “Hẹn gặp lại
lần tới, thưa ông Kiểm sát trưởng”. Ông ấy đã mỉm cười mà không trả lời.
Ông ấy đã ra đi.”
Viết làm đau lòng người. Tôi nhận ra điều này từ mấy tháng trời mà tôi
bắt đầu viết. Con người sinh ra không phải để làm việc này, và rồi viết để
làm gì? Viết giúp ích gì cho tôi? Giá như có Clémence bên cạnh tôi, không
bao giờ tôi lại ngoệch ngoạc lên trang giấy làm gì, ngày cả khi Hoa Bìm
Bìm đã bị sát hại một cách bí ẩn, ngay cả khi cái chết của thằng nhóc người
Bretagne đã làm cho lương tâm tôi phần nào bị cắn rứt. Đúng thế, chỉ có sự
hiện diện của nàng thôi cũng đủ khiến cho tôi rũ bỏ quá khứ và tăng thêm
sức mạnh cho tôi. Suy cho cùng, tôi viết cũng vì nàng và chỉ vì nàng thôi,