XXIII
Một vài năm sau, sau khi Barbe đã được mai táng, tôi tự nhủ là đã đến
lúc tôi vào Lâu đài. Chiếc chìa khoá mà chị đã đưa đã biến tôi thành người
sở hữu một cơ ngơi vô chủ. Tôi đã tới đó, đi từ nghĩa trang đến tòa nhà cao
rộng như thể tiến về phía cái gì đó đang chờ tôi từ lâu lắm rồi, cái gì đó mà
tôi đã không dám nhìn tận mắt.
Khi mở khoá cánh cửa lớn, tôi cảm thấy mình như đang bóc một chiếc
phong bì có chứa một tờ giấy mỏng. Trong đó, bằng những chữ cái nhợt
nhạt, mọi sự thật đã được viết ra từ bấy lâu nay. Tôi không chỉ nói đến sự
thật về vụ Áp Phe, tôi còn nói đến sự thật của chính tôi, của những gì biến
tôi thành một con người, thành một người bộ hành trong cuộc sống.
Thời ông Kiểm sát trưởng còn sống, chưa bao giờ tôi đặt chân vào Lâu
đài. Đó không phải là chỗ của tôi. Tôi mang dáng dấp của một cái giẻ rách
trong số những chiếc khăn mùi xoa bằng lụa tơ tằm. Tôi chỉ đi qua Lâu đài,
đi vòng quanh nó, đứng xa nhìn ngắm cái rực lửa liên hồi như hoả hoạn,
những bức tường cao lớn bằng đá đen và những hồi nhà bằng đồng. Rồi
đến hôm Lysia Verhareine chết. Destinat chờ tôi ở phía trên bậc thêm, vẻ
hốt hoảng, và thế là hai chúng tôi bước đi như những bị cáo về phía ngôi
nhà nhỏ, lên phòng của cô ta...
Lâu đài không phải là nơi ở của người chết. Đó là một tòa nhà trống
rỗng, hoặc đơn giản là đã bị lấy hết mọi thứ, sự sống trong đó đã cạn kiệt từ
lâu. Việc ông Kiểm sát trưởng, Barbe và cả Nghiêm Trọng nữa đã từng ở
đó không thay đổi cái gì hết thảy: người ta có cảm giác đó ngay từ tiền
sảnh. Lâu đài là một nơi quá cố, một nơi đã ngừng thở từ rất lâu rồi, không