dần được cởi ra. Ngay cả đại bác cũng như đóng băng. Không nghe tiếng gì
cả.
“Phải chăng cuối cùng cũng đã đến lúc hoà bình”, Grosspeil bạo dạn nói.
“Hoà bình cái con khỉ!” Đồng nghiệp của Grossopeil vừa nói vừa thả
chiếc chăn len thấm ướt lên cơ thể cô bé.
Người ta đang chờ các ông ở V. Cuối cùng thì họ cũng đến cùng ông thị
trưởng. Đầu tóc ông này đúng là đầu tóc của những ngày tồi tệ, đó là đầu
tóc của người bị lôi ra khỏi giường không đúng lúc, hơn nữa lại nhằm vào
lúc thời tiết tệ hại đến mức đến con chó người ta cũng không cho ra ngoài.
Trong đoàn người còn có thẩm phán Mierck, có viên thư ký tòa án mà tôi
không bao giờ biết tên nhưng mọi người gọi ông ta là Vảy Kết vì căn bệnh
eczêma quái ác đã ngốn nghiến nửa trái của khuôn mặt, có ba viên cảnh sát
hiến binh, những người không tự cho mình là những kẻ ngớ ngẩn, rồi có
một quân nhân. Tôi không biết quân nhân này làm gì ở đấy. Dù sao thì ông
ta cũng không ở lại lâu: Ngay sau đó ông ta đã gục xuống và người ta đã
phải đưa ông ta đến quán cà phê Jacques. Người nhảy điệu pavan này nhẽ
ra không nên lại gần một lưỡi lê, trừ phi ở trong một xưởng vũ khí, và hơn
thế nữa! Ta có thể nhận thấy điều này qua bộ quân phục là lượt một cách
cẩn thận, như thể nó được may cho một người mẫu ở Poiret. Chắc là ông ta
tham chiến gần một bếp lò bằng gang, ngồi trên một chiếc ghế bành lớn
làm bằng nhung rồi tối đến, trong lầu son gác tía, kể tình hình chiến sự cho
các cô gái trẻ mặc váy khiêu vũ, tay cầm một ly rượu sâm banh, hoà mình
vào những hợp âm rối rắm của một ban nhạc thính phòng.
Đội chiếc mũ Gronstadt, vẻ đã ăn uống no nê thoả thích, thẩm phán
Mierck đúng là một người hách dịch. Nước xốt rượu vang chắc đã tô điểm
cho tai và mũi của ông ta nhưng điều này không làm cho ông ta mủi lòng.
Tự ông ta kéo chiếc chăn ra, nhìn Hoa Bìm Bìm, nhìn rất lâu. Những người
khác chờ ông ta nói một tiếng, hoặc thở dài một cái. Dù sao thì ông ta cũng