có tròn không. Ở quê tôi, người ta gọi đó là lòng hào hiệp. Không phải ai ai
cũng hành động như thế. Ông Kiểm sát trưởng là hậu duệ cuối cùng của
dòng họ Destinat. Không phải vì ông ta không lập gia đình mà vì vợ ông
chết quá sớm, chết sáu tháng sau khi họ kết hôn. Vào ngày hôn lễ của họ,
toàn bộ những nhà giàu có và có máu mặt trong vùng đều đến dự. Cô dâu là
người thuộc dòng họ Vincey. Tổ tiên của bà đã từng chiến đấu ở Crécy.
Chắc tổ tiên của tất cả mọi người đều đánh nhau ở đó cả nhưng không ai
biết gì và cũng chẳng ai thèm quan tâm.
Tôi đã thấy chân dung của bà ấy, bức chân dung vẽ vào ngày cưới được
treo ngoài tiền sảnh Lâu đài. Ông hoạ sĩ đến từ Paris đã nắm bắt được kết
cục cận kề của bà qua gương mặt. Nước da tái xanh và những nét mặt cam
chịu của kẻ sắp chết thật là ấn tượng. Bà ấy tên là Clélis. Cái tên này không
tầm thường đâu, nó được khắc đẹp đẽ vào tấm đá hoa cương màu hồng đặt
trước mộ.
Cả trung đoàn có thể đóng quân tại công viên Lâu đài mà không cảm
thấy gò bó, chật chội. Công viên có nước bao quanh: ở phía cuối có một
đường mòn là đường tắt giữa quảng trường Tòa thị chính và bến cảng, tiếp
đến là con kênh nhỏ mà tôi đã có dịp nói qua, ông già đã cho bắc qua dòng
kênh này một chiếc cầu theo kiểu Nhật được quét vôi qua loa. Mọi người
gọi chiếc cầu này là Cái Dồi Lợn vì màu cầu giống với màu huyết chín.
Phía bên kia bờ kênh, người ta thấy những cánh cửa sổ rộng của một tòa
nhà cao tầng làm phòng thí nghiệm của Nhà máy. Nơi đó, các kỹ sư cố vắt
óc tìm cách làm giàu cho ông chủ. Phía bên phải công viên có một dòng
sông nhỏ ngoằn ngoèo nhởn nhơ trôi qua. Tên của dòng sông này là
Guerlante, riêng cái tên đã gợi lên một dòng chảy chậm chạp, uể oải, kể cả
những dòng xoáy và hoa súng. Nước thấm hết tất cả. Công viên Lâu đài
như một tấm vải lớn ngập nước. Cỏ luôn luôn nhỏ nước. Một nơi để nhiễm
bệnh nhiễm tật.