V
Năm 1914. Ở quê tôi, ngay trước cuộc đại thảm sát, bỗng nhiên thiếu kỹ
sư trầm trọng. Mặc dầu vậy, Nhà máy vẫn luôn vận hành nhưng có cái gì đó
khiến người Bỉ ở lại vương quốc nhỏ bé của họ, núp dưới bóng của vị quốc
vương trời ơi đất hỡi. Với điệu bộ nhún nhường và những cách nói kiểu
cách, người ta cho ông Kiểm sát trưởng biết là sẽ không có người thuê nhà
nữa.
Quả thế, mùa hè được báo hiệu là sẽ rất nóng, kể cả dưới vòm tròn và
trong sọ não của nhiều người yêu nước, những người này được lên giây cót
hết cỡ như máy móc đồng hồ treo tường. Ở khắp mọi nơi, người ta giơ cao
nắm đấm và tung lên cả những kỷ niệm đau buồn. Đó đây, những vết
thương trở nên khó thành sẹo, nhất là những vết thương biết đường nhỏ
máu và tha hồ viêm nhiễm trong những buổi tối chán chường và oán hận.
Vì tự ái hay là vì ngốc nghếch mà cả đất nước sẵn sàng nhảy bổ vào mồm
kẻ khác. Những người cha thúc đẩy những người con. Những người con
thúc đẩy những người cha. Hầu như chỉ còn đàn bà, những người mẹ,
những người vợ hoặc những người chị, những người phụ nữ nhìn nhận điều
đó với một chút nghi ngờ khốn khổ trong lòng và một sự sáng suốt đẩy họ
qua những buổi chiều hò hét hân hoan, những buổi chiều mà đại bác bị
nuốt chửng, những buổi chiều hát vui tràn trề tinh thần dân tộc. Tiếng hát
đập vào tán cây hạt dẻ xanh tươi đang đâm chồi nảy lộc và làm đinh tai
nhức óc.
Thành phố nhỏ bé của chúng tôi nghe được âm thanh của chiến tranh
nhưng không thực sự tham chiến. Có thể nói không quá lời là thành phố
chúng tôi sống nhờ chiến tranh: tất cả đàn ông con trai thành phố đều làm
cho Nhà máy hoạt động hiệu quả. Chúng tôi cần Nhà máy này. Một mệnh