găng tay. Tôi tự hỏi là ông ta đã có thể làm gì với đôi găng màu hồng, bằng
vải mịn này. Ông ta đã rút đôi găng này ra khỏi một chiếc hộp bằng da cá
và bằng giấy tơ tằm rồi nhìn với vẻ hoài nghi. Tôi không biết ông ta đã thế
nào rồi, ông Fracasse này: chết, què chân hay vẫn bình yên vô sự sau bốn
năm trời. Dù sao chăng nữa, ông ta không bao giờ trở về nữa và tôi hiểu
điều đó: chiến tranh không chỉ giết người hàng loạt mà còn sẻ đôi thế giới
và những kỷ niệm của chúng ta, như thể tất cả những gì diễn ra trước đó
đều ở trên thiên đường, trong một chiếc túi cũ kỹ mà không ai dám thò tay
vào nữa.
Người ta cử một người thay thế và người này không thể gọi động viên
được nữa. Tôi nhớ nhất là đôi mắt điên dại của anh ta, y như hai hòn bi thép
trong lòng trắng con hàu. “ Tôi phản đối!” Anh ta nói ngay với ông thị
trưởng khi ông này đến để diễu võ dương oai. Người ta gọi anh ta là Phản
Đối. Phản đối là một nghĩa cử thật đẹp. Nhưng chống lại cái gì mới được
chứ? Không ai biết bao giờ. Dẫu sao thì tất cả đã được giải quyết trong thời
gian ba tháng: anh chàng này chắc đã bắt đầu mất phương hướng từ lâu rồi.
Đôi khi, anh ta ngừng giảng bài và nhìn lũ trẻ, miệng lưỡi bắn tiểu liên
hoặc bắt chước tiếng trái phá nổ trên đất đồng thời đổ người xuống rồi bất
động trong vòng nhiều phút. Trong vụ việc này, anh ta thật đơn độc. Điên là
xứ sở mà không phải ai muốn là vào được. Tất cả đều có cái giá của nó. Dù
sao thì anh ta đến với cái điên với tư cách của một quan gia, bỏ rơi những
đồ neo đậu với sự phù hoa của một viên thuyền trưởng đứng ở mũi thuyền
mà tự đánh đắm mình.
Buổi tối, anh ta đi dạo dọc bờ kênh, vừa đi vừa nhảy nhót. Anh ta nói
một mình, thường nói những từ ngữ mà không ai hiểu, đôi khi dừng lại để
dùng một chiếc đũa bằng gỗ phỉ đánh lại một địch thủ vô hình, sau đó anh
ta lại đi, vừa đi vừa nhảy nhót vừa thầm thì “Tagada Tagada T'soin T'soin!”.
Anh ta vượt quá giới hạn vào một ngày pháo nổ ác liệt. Cứ năm giây một
lần, cửa kính cứ rung lên như mặt nước trước cơn gió bấc thổi mạnh.