Barbe từ từ đứng lên, khép bàn tay tôi cầm lấy chìa khoá rồi về nhà mà
không nói một lời nào. Tôi bỏ chìa khoá Lâu Đài trong túi rồi đi về.
Tôi không bao giờ có dịp nói chuyện với Barbe nữa. Mặc dầu vậy, tôi
cảm thấy rất ngứa ngáy, như bị căn bệnh ghẻ không được sạch sẽ cho lắm,
vừa ngứa nhưng khi gãi thì thinh thích, nhưng tôi tự nhủ là mình còn có
thời gian: điều ngu ngốc của con người nằm ở chỗ đó, khi nào cũng tự bảo
là có thời gian, mai hãy làm, ba ngày nữa, một năm nữa, hai giờ nữa hãy
làm. Và thế là tất cả đi đời nhà ma. Thế là tìm gặp nhau ở các đám tang, đi
theo những cỗ quan tài, tình thế này không dễ để chuyện trò lắm. Tôi đã
nhìn quan tài của Barbe vào ngày bà ta mất, như để tìm ra câu trả lời,
nhưng đó chỉ là những tấm gỗ bóng loáng, cha xứ phủ lên đó cả khói hương
và cả những câu kinh bằng tiếng Latinh. Trên đường đi đến nghĩa trang
cùng đoàn người lô nhô lẻ tẻ, tôi tự hỏi là với những câu chuyện về bữa ăn
và về Destinat si tình, Barbe có chế diễu tôi hay không. Nhưng thực ra,
điều đó không quan trọng nữa. Rượu anh đào đã chinh phục bà ta. Có thể ở
trên kia, trên chín tầng mây, bà ta lại sẽ tìm được nhiều bầu rượu đầy.
Tôi vẫn giữ chìa khoá Lâu đài ở trong túi và từ buổi tối mà bà ta đã đưa
cho tôi, sáu tháng trước đó, tôi vẫn chưa dùng đến. Những xẻng đất đổ lên
quan tài đã khiến tôi tự tin hơn. Mộ Barbe sớm được lấp đầy. Barbe đã đi
gặp anh chàng Nghiêm Trọng của mình để chung tình vĩnh cửu. Vị cha xứ
đã ra về cùng hai lễ sinh, dày của những em bé nhà quê này nhóp nhép
trong bùn. Các con chiên đã tuỳ nghi di tản như những con chim sáo đá trên
đồng lúa mì xanh. Còn tôi, tôi đã đi thăm mộ Clémence, lòng tự trách mình
là không đến đó thường xuyên hơn.
Nắng, mưa và năm tháng đã xoá nhoà bức hình mà tôi đã cho bỏ vào một
tấm lắc bằng sứ. Chỉ còn thấy bóng của mái tóc và có thế đoán được đường
nét nụ cười, như thể nàng nhìn tôi đằng sau một tấm rèm the. Tôi đặt tay
lên những chữ cái mạ vàng đề tên nàng rồi ra về. Vừa đi tôi vừa thầm kể
cho nàng nghe tất cả những chuyện này, những câu chuyện làm nên cuộc