thấy thi thể. Ông hối hả chạy đến, phá cánh cửa bị khoá trong và rồi... và
rồi... Không còn gì nữa. Ông đã bồng cô ấy lên, đặt lên giường. Cho người
gọi tôi đến. Đó là điều ông ấy đã kể cho tôi, khi mà Barbe đã bảo chúng tôi
ra ngoài, khi mà chúng tôi đi loanh quanh trên thảm cỏ mà không biết đi
đâu hay làm gì.
Trong những ngày tiếp theo, Destinat trốn hẳn trong Lâu đài của mình.
Ông ta đứng hàng giờ sau cửa sổ, nhìn ngôi nhà nhỏ như chờ cô giáo trẻ từ
đó sẽ còn đi ra. Barbe đã kể lại cho tôi chuyện này vào cái buổi tối hy hữu
mà bà ấy đã nói với tôi tất cả.
Người ta đã cố tìm hiểu xem Lysia Verhareine có gia đình hay người
thân gì không. Tôi thì ít nhưng ông thị trưởng thì nhiều. Người ta chẳng tìm
được cái gì sất. Chỉ tìm được mỗi một địa chỉ trên các phong bì, một địa chỉ
đã bị gạch đi và đó là địa chỉ của một chủ nhà. Ông thị trưởng đã nói
chuyện với bà ta bằng điện thoại nhưng chỉ hiểu câu được câu chăng vì bà
ta nói giọng Bắc. Tuy nhiên, điều ông ta ghi nhận được là bà chủ nhà đó
không biết gì hết. Khi có thư từ đến, bà ta viết địa chỉ mới mà cô gái trẻ đã
chuyển. “Thế thư từ như vậy có nhiều không?”, ông thị trưởng hỏi. Lúc đó
tôi ở bên cạnh ông ta. Ông ta không nhận được câu trả lời nào hết. Điện
thoại bị cắt. Thời ấy điện thoại còn thô sơ lắm. Rồi vì chiến tranh. Ngay cả
điện thoại cũng tham chiến. Theo cách của nó.
Thế là người ta đi hỏi Marcel Crouch, lão đưa thư. Ông lão này lúc nào
cũng nhậu nhẹt, vì hết người này mời đến người khác mời. Lão ta không
bao giờ từ chối, từ rượu vang, cà phê rum, Pernod đến rượu véc mút. Lão
kết thúc vào cuối buổi sáng, ngồi dựa lưng vào tường của một xưởng rửa
quặng, miệng nghêu ngao những câu nói nặc mùi chính trị rồi ngáy như
sấm, tay vẫn ôm chặt cái túi của mình. Còn Lâu đài thì phải chờ đến cuối
buổi đưa thư, khi lão đã bước đi như đi trên một chiếc cầu tàu bị chòng
chành do thời tiết xấu. “Thư hả, tất nhiên là có thư cho Lâu đài, tôi thì tôi
thường nhìn địa chỉ chứ không nhìn tên, khi thấy thư gửi đến Lâu đài thì