XII
Bây giờ tôi phải trở lại một buổi sáng năm 1917, ngày mà tôi đã để thi
thể bé bỏng của Hoa Bìm Bìm bên bờ kênh cùng viên thẩm phán Mierck và
đoàn tuỳ tùng rét cóng.
Tất cả những điều ấy có vẻ rối như gà mắc tóc, nhưng xét cho cùng, đó
là hình ảnh cuộc đời tôi, một cuộc đời được chia thành những mảnh rời rạc
không thể chắp vá. Để hiểu được con người, phải đào đến tận gốc. Lấy sức
ẩy thời gian đi để mang lại cho nó vẻ thuận buồm xuôi gió thì chưa đủ: phải
đào xới thời gian đến tận xương tận tuỷ cho mủ chảy ra mới thôi. Bàn tay
phải lấm bẩn. Không có gì làm tôi ghê tởm cả. Đó là công việc của tôi mà.
Ngoài kia, trời đã về đêm, và đêm đến, tôi có thể làm gì khác nếu không
phải là lấy những tấm khăn trải giường cũ rích mà mạng nữa, mạng mãi?
Ria mép Mierck vẫn bị lòng đỏ trứng gà dính bết, mặt ông ta vẫn câng
câng như một lão đại sứ bị bệnh gút chân. Ông ta nhìn Lâu đài và cười
thầm. Cánh cửa nhỏ hướng về công viên đang mở, có những bước chân lỗ
chỗ trên cỏ. Viên thẩm phán bắt đầu huýt sáo và huơ huơ cái gậy như xua
ruồi vậy. Bây giờ mặt trời đã xuyên qua lớp sương mù và sương giá dầm dề
chảy xuống. Mọi người đều cứng đờ như những chiếc cọc dựng trong công
viên, đôi má cứng đơ như những chiếc đế dày bằng gỗ. Vảy Kết thôi không
ghi ghi chép chép nữa, ghi chép cái gì mới được chứ! Tất cả đã được nói ra.
“Tốt, tốt, tốt...”, Mierck lại tiếp tục, lấy gót chân làm trụ mà ngả nghiêng
người.
Rồi ông ta quay phắt lại phía anh cảnh sát thành phố: «Cho tôi gửi lời
khen nhé!”. Người kia như trên trời rơi xuống: “Đến ai ạ, thưa viên thẩm
phán?”. Mierck nhìn anh ta như thể trong đầu anh ta là đậu tằm chứ không