vừa có vài phòng cho thuê vừa tranh thủ bán than, dầu, mỡ và thịt bò hộp
cho những trung đoàn đi qua.
Những năm tháng đẹp nhất của Bassepin là chiến tranh! Bán lại với giá
đắt nhất những thứ đã mua rất xa với giá rất bèo. Tiền vào như nước, làm
việc đêm ngày, tuồn cho những tay hậu cần đi qua một số nhu yếu phẩm và
đồ thừa, thỉnh thoảng lại lấy lại những gì mình đã bán cho các trung đoàn
để bán lại cho những trung đoàn khác đến sau, và cứ như thế. Đó là một
hạng người. Buôn bán làm nên con người.
Thời hậu chiến cũng không làm ông ta lận đận là mấy. Rất nhanh, ông ta
nắm bắt được điều là cả thành phố cuồng nhiệt tôn vinh những người lính
hy sinh ở mặt trận. Bassepin bán hàng tấn bức tượng người lính bằng gang
và gà trống Gôloa. Thị trưởng ở miền Đông rộng lớn tranh giành nhau mua
những anh lính bất động, những lá cờ bay trong gió và súng chìa ra. Mẫu
này ông ta đã thuê một hoạ sĩ bị bệnh lao đã từng được đoạt giải trong các
cuộc triển lãm vẽ. Có đầy đủ cho tất cả mọi người, từ giá cả, túi tiền đến
danh mục hai mươi ba kiểu mẫu, ngoài ra có thể chọn thêm những cái bệ
bằng đá hoa cương, kim tuyến để vẽ chữ, những cái đài tháp, hình những
đứa trẻ bằng kẽm chìa vương miện cho những người thắng trận, những bức
hoạ phúng dụ về nước Pháp có hình một nữ thần trẻ trung, để ngực trần, vẻ
chở che, bao bọc. Bassepin bán ký ức và hoài niệm. Các hội đồng thị chính
trả nợ cho những kẻ hấp hối một cách sòng phẳng và cách này đứng vững
với thời gian với những công trình được đóng khung bằng sỏi đá hay bằng
gỗ đoạn. Trước các công trình này, cứ đến ngày 11 tháng 11, một đội kèn
đồng gồng mình thổi vang những khúc khải hoàn ca vui nhộn, hoặc những
điệu nhạc bi thương trong khi mà vào ban đêm những con chó hoang giơ
chân đái xung quanh và những con chim bồ câu phụ hoạ thêm bằng cách từ
trên cao ỉa xuống.
Bassepin có cái bụng to tròn. Hè cũng như đông, ông ta luôn đội cái mũ
bonê hình chuột chũi, mồm có những cái răng đen thui luôn ngậm một thỏi