đúng, rằng nơi mà tôi đi, đó là hướng thẳng vào những cuốn sách lịch sử,
và trong hàng thế kỷ, tôi đã có lý khi trì hoãn chuyến đi của mình, biết bao
nhiêu lần rồi, phút chót tôi lại rút khẩu súng cạc bin của Gachentard ra khỏi
họng, những buổi sáng mà tôi cảm thấy rỗng tuếch như một cái giếng cạn
nước. Mùi vị của khẩu súng... thật lạ! Lưỡi cứ dính vào đó. Cảm giác nhoi
nhói. Hương vị của rượu vang, đá trắng.
Những con chồn hạt dẻ đã đánh nhau xong. Những bàn chân đầy móng
vuốt đã để lại những ký tự tượng hình, những đường lượn điệu nghệ, những
ngôn từ của kẻ điên trên chiếc áo choàng bằng tuyết. Cái bụng của chúng
cũng như những dòng chảy, nhưng lối đi nho nhỏ xa dần, chéo nhau, hoà
lẫn vào nhau để rồi lại toả ra và dừng lại, như thể bỗng nhiên hai con thú
sau khi chơi xong đã bay vọt lên trời trong nháy mắt.
“Cũng già nua và ngốc nghếch như thế...”
Có lẽ lạnh giá đã chơi xỏ tôi.
“Anh muốn chết hay sao hở?” Một giọng nói lại thoát ra từ nơi xa vời,
bằng những phụ âm thô ráp hoà lẫn với riếng rì rào của cây hải âm. Không
cần phải quay lại tôi cũng biết ai đang nói với mình. Joséphine Maulpas.
Bằng tuổi tôi. Cô bạn mới của tôi. Người cùng quê. Đến đây khi mới mười
sáu tuổi như một người giúp việc đa năng. Cô làm cái nghề này cho đến hai
mươi tuổi, đi từ nhà giàu này đến nhà sang khác, dần dần làm quen với ma
men đến mức hoàn toàn ngụp lặn trong men rượu, đến mức không tìm được
vị trí của mình nữa. Gõ cửa nhà nào cũng bị hắt hủi, ngăn chặn, tống cổ. Để
rồi, trong nhiều năm trời, cô ta chỉ còn mỗi việc là buôn bán da thú hôi thối:
da thỏ, da chuột chũi, da chồn, da cáo, da của mọi súc vật, những tấm da
vẫn còn dính máu, còn tươi, được lột ra bằng con dao nhíp. Hơn ba mươi
năm cô ta cứ ra phố với chiếc xe ba gác tồi tàn, luôn miệng rêu rao “Da thỏ
đây! Da súc vật đây! Da thỏ đây!”, thành thử người cô ta hôi mùi xác chết,