một gã trụy lạc, vì sau đó thì rõ ràng là họ đã không nghi ngờ tôi đến
đó để chữa bệnh hoa liễu. Mặc dù với một người đàn ông thì tình trạng
bệnh tật chẳng phải là một sự tiến cử quan trọng bên các quý bà, song
nó cũng khiến họ thấy tôi thành đáng chú ý. Buổi sáng họ cử người
đến hỏi thăm tôi và mời tôi cùng dùng sô cô la; họ hỏi tôi qua đêm
như thế nào. Một lần, theo thói quen đáng khen của tôi là nói mà
chẳng nghĩ, tôi trả lời rằng tôi không biết. Lời đáp ấy khiến họ ngỡ tôi
điên; họ xem xét tôi kỹ hơn, và sự xem xét ấy không gây hại cho tôi.
Một lần tôi nghe thấy bà Du Colombier nói với bà bạn: “Anh ta thiếu
xã giao, nhưng anh ta dễ thương.” Câu nói ấy trấn an tôi rất nhiều, và
khiến tôi thành dễ thương thực sự.
Trong khi làm thân, phải nói về mình, bảo mình từ đâu tới, mình
là ai. Điều này khiến tôi lúng túng; vì tôi biết rõ rằng, trong giới
thượng lưu, và với những người đàn bà phong nhã, cái từ mới cải đạo
sẽ giết chết tôi. Chẳng biết do sự kỳ cục nào tôi nghĩ ra chuyện coi
mình là người Anh, tôi tự nhận là lacobite
, họ coi tôi là thế; tôi tên là
Dudding, và họ gọi tôi là ông Dudding. Một tay hầu tước De Torignan
đáng nguyền rủa có mặt ở đó, cũng ốm như tôi, hơn nữa còn già nua
và tính tình khá cau có, nghĩ ra việc trò chuyện với ông Dudding. Ông
ta nói với tôi về vua Jacques, về người tranh ngôi vua, về triều đình
Saint-Germain ngày trước. Tôi rất lo sợ: về tất cả những chuyện này
tôi chỉ biết chút ít những gì đọc trong sách của bá tước Hamilton
trong báo chí; tuy thế tôi sử dụng chỗ chút ít này rất tốt thành thử gỡ
ra được: may thay người ta không nghĩ đến chuyện lục vấn tôi về ngôn
ngữ Anh, mà tôi chẳng biết một từ nào hết.
Cả hội hợp nhau và tiếc nuối nhìn thời điểm chia tay. Chúng tôi
đi đường chậm như sên. Một ngày chủ nhật, chúng tôi ở Saint-
Marcellin. Bà De Larnage muốn đi dự lễ mi xa, tôi đi cùng bà: điều
này suýt nữa làm hỏng chuyện của tôi. Tôi xử sự như xưa nay vẫn xử