điệu nhạc. Các vị này đã nghe các nhạc công bất tài Paris nói rằng
phương pháp diễn tấu bằng chuyển dịch giọng chẳng giá trị gì. Họ
xuất phát từ đó để chuyển lợi thế rõ rệt nhất ở phương thức của tôi
thành điều phản bác không sao đánh bại được, và họ quyết định rằng
cách ghi của tôi tốt đối với thanh nhạc, còn với khí nhạc thì dở; thay vì
quyết định, như lẽ ra họ phải làm, rằng cách ghi ấy tốt đối với thanh
nhạc và còn tốt hơn nữa đối với khí nhạc. Dựa trên báo cáo của họ,
Viện Hàn lâm cấp cho tôi một bản chứng nhận đầy những lời khen
ngợi rất hay ho qua đó người ta thấy rằng, về căn bản, Viện đánh giá
phương thức của tôi là không mới cũng không hữu ích. Tôi cho rằng
chẳng nên đem một văn kiện như thế để tô điểm cho công trình mang
nhan đề Bàn về âm nhạc hiện đại
, qua công trình này tôi cầu viện đến
cổng chúng.
Tôi có lý do để nhận xét trong trường hợp này rằng, ngay với một
trí tuệ hạn hẹp, thì sự hiểu biết đơn nhất, nhưng sâu sắc về vấn đề là
đáng quý hơn biết mấy, để phán xét đúng về vấn đề ấy, so với mọi tri
thức do việc trau dồi các khoa học đem lại, khi người ta không kết hợp
các tri thức này với việc nghiên cứu riêng vấn đề được bàn. Điều phản
bác vững chắc duy nhất đối với phương thức của tôi là do Rameau đưa
ra. Tôi chỉ vừa giải thích phương thức với ông, là ông nhìn thấy ngay
mặt yếu của nó. Ông bảo tôi: “Các ký hiệu của anh rất tốt ở chỗ chúng
xác định một cách đơn giản và rõ ràng các giá trị, ở chỗ chúng thể
hiện rành rọt các quãng và bao giờ cũng chỉ ra cái đơn thuần trong cái
gấp bội (le simple dans le redoublé), tất cả những điều mà cách ghi
thông thường không làm; nhưng chúng dở ở chỗ đòi hỏi một thao tác
của trí óc không phải bao giờ cũng theo được sự mau lẹ của diễn tấu.
Vị trí các nốt nhạc của chúng tôi, ông nói tiếp, hiện ra trước mắt
không cần thao tác đó giúp sức. Nếu như hai nốt nhạc, một rất cao,
một rất trầm, được nối bằng một chuỗi nốt trung gian, thì chỉ nhìn một
cái là tôi thấy ngay sự diễn tiến từ nốt này sang nốt kia qua các cấp độ