giả, trong cuộc chiến đấu chống lại một xã hội bất công, làm hư hỏng
và nô lệ hóa cá nhân, cái xã hội đã bị ông lên án trong các công trình
trước đó (Luận về khoa học và nghệ thuật, Luận về nguồn gốc của sự
bất bình đẳng giữa các con người, Khế ước xã hội). Ta thấy sự tách
biệt giữa Rousseau và các triết gia trong nhóm Bách khoa toàn thư:
không phải nhà duy vật vô thần, ông có tín ngưỡng, tất nhiên theo
cách của nhân vật linh mục trợ tế miền Savoie trong Émile, mà lời
tuyên tín đã khiến tác phẩm và tác giả điêu đứng; ông hoài nghi niềm
tin ở lý tính đơn thuần và ở sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật.
Rousseau tự coi mình còn duy trì được những yếu tố của tính bản
thiện tự nhiên ở con người chưa bị xã hội đồi bại làm ô nhiễm. Thiên
nhiên và cảm xúc được dành vị trí quan trọng, trong quá trình kiếm
tìm bản sắc, khám phá cái tôi. Thiên nhiên là khung cảnh mà hạnh
phúc thời thơ ấu và tuổi thanh xuân không thể tách rời: cuộc gặp gỡ
hai thiếu nữ ở Annecy diễn ra giữa miền quê với cỏ, hoa và tiếng hót
của chim họa mi, hình ảnh bà De Warens gắn bó với “phong cảnh xinh
đẹp”, với màu xanh trước khung cửa sổ. Không chỉ là khung cảnh,
thiên nhiên còn dạy dỗ: “Sự giản dị của cuộc sống đồng nội đem lại
cho tôi một điều tốt lành vô giá, khi mở lòng cho tôi đón nhận tình
bạn”, hòa hợp với tâm tư con người: Bossey “thiên đường trần gian”,
sau khi cậu bé Jean-Jacques khám phá và nếm trải sự bất công,
“dường như hoang vu và u tối”; thiên nhiên thức tỉnh và nuôi dưỡng
cảm hứng: “Quang cảnh miền quê, những vẻ tươi đẹp nối tiếp nhau,
không khí thoáng đãng [...] phóng thích tâm hồn tôi, khiến tôi táo bạo
hơn trong tư duy”. Thiên nhiên khơi mơ mộng, là cội nguồn của niềm
an lạc về thể chất và tâm hồn “nhìn thấy nước tôi thường đắm vào một
nỗi mơ màng tuyệt diệu”, thiên nhiên chở che an ủi trong nghịch cảnh.
Ẩn náu tại đảo Saint-Pierre, giữa hồ Bienne, nhà văn lưu vong thốt
lên: “Ôi thiên nhiên! Ôi mẹ của tôi! Tôi đang ở dưới sự bảo hộ duy
nhất của mẹ; nơi đây không hề có con người khôn khéo và giảo quyệt
xen vào giữa mẹ và tôi”.