NHỮNG LỜI BỘC BẠCH - Trang 13

lời bộc bạch mà Rousseau để lại là tư liệu khảo sát quý giá. Rousseau
nhiều lần bộc bạch nhược điểm không “lợi khẩu”, không nhanh trí để
ứng đối trong các phòng khách, nhưng ông tự tin ở văn tài, kết quả của
lao động kiên nhẫn và sáng tạo (Quả thật con người tự học này đạt
được những điều phi thường: học nhạc trong khi dạy nhạc và bằng
cách dạy nhạc, vậy mà ông phụ trách hai trăm mục từ về âm nhạc cho
Bách khoa toàn thư, sáng tác một vở nhạc kịch nổi tiếng ở cung đình
và ở Paris, biên soạn một cuốn Từ điển âm nhạc cho đến thế kỷ XIX
vẫn là sách tham khảo!). Không thuộc loại tác gia “xuất khẩu thành
thi”, Rousseau sáng tác rất công phu, cẩn trọng. Qua mỗi bản thảo,
những sửa chữa, giảm nhẹ hay nhấn mạnh, bổ sung hay lược bớt, cho
thấy Rousseau người tự thuật vẫn là “người làm văn chương đến
cùng” (Jean-Louis Lecercle). Chính vì tác giả Những lời bộc bạch
“thợ thủ công văn chương” (Michel Launay), là “pháp sư văn chương”
(Raymond Trousson), mà người dịch tự thấy bị đặt trước một nhiệm
vụ cực kỳ khó khăn. Và cảm giác bất lực của người dịch, cũng như sự
trông cậy ở những góp ý của độc giả, là chân thành.

Cũng rất chân thành, lời cảm ơn gửi tới những người thân, bạn bè

và đồng nghiệp đã giúp đỡ về tư liệu, đã đóng góp ý kiến, đặc biệt là
nữ giáo sư Nicole Mozet, nhà giáo Margaret Nicot, nhà nghiên cứu
Tanguy L’Aminot - chuyên gia về Rousseau, Giáo sư Hoàng Thị
Châu, Tiến sĩ Trần Quốc Dương, nhà giáo Lê Thúc Khiêm, nhạc sĩ Lê
Dũng.

LÊ HỒNG SÂM

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.