Tôi không thấy sự gò bó nào khủng khiếp hơn là nghĩa vụ phải nói tức
thời và luôn luôn. Chẳng hiểu điều này liệu có liên quan đến niềm căm
ghét không đội trời chung của tôi đối với mọi sự lệ thuộc hay chăng;
nhưng chỉ cần mình nhất định phải nói, là đủ để thế nào tôi cũng nói
một điều ngu dại.
Điều tai hại nhất là thay vì biết nín lặng khi không có gì để nói,
thì lúc ấy, để trả cho sớm hơn món nợ của mình, tôi phát cuồng vì
muốn nói. Tôi vội lắp bắp một cách gấp gáp những lời lẽ không ý
tưởng, quá sung sướng khi chúng chẳng có nghĩa gì hết. Do muốn
khắc phục hoặc che giấu sự vụng về ngu xuẩn của mình, hiếm khi tôi
lỡ dịp phô nó ra. Giữa ngàn thí dụ có thể viện dẫn, tôi lấy một thí dụ
không thuộc thời thanh niên, mà thuộc một thời, do đã sống nhiều năm
trong giới giao tế thượng lưu, lẽ ra tôi có được sự thung dung và
phong thái của giới ấy, nếu như đó là điều có thể thực hiện. Một buổi
tối tôi ở cùng hai phu nhân quyền quý và một vị nam giới có thể nêu
tên; đó là công tước De Gontaut. Trong phòng không có ai khác, và tôi
cố gắng đưa ra vài lời, có Trời biết được là những lời nào! Cho một
cuộc đàm thoại giữa bốn người, mà ba người chắc chắn chẳng cần sự
bổ sung của tôi. Nữ chủ nhân sai mang đến thuốc nha phiến mà ngày
nào bà cũng sử dụng hai lần vì bệnh dạ dày. Quý bà kia, thấy nữ chủ
nhân nhăn mặt, bèn cười mà bảo: “Có phải thuốc nha phiến của ngài
Tronchin
hay không? - Tôi cho là không, quý bà nọ đáp lại cùng
giọng điệu. - Tôi cho là thuốc đó cũng chẳng hơn gì mấy”, chàng
Rousseau dí dỏm nói chêm vào một cách phong nhã. Tất cả mọi người
sững lại; không một lời nào không một nụ cười nào buột ra, và lát sau,
cuộc chuyện trò chuyển sang hướng khác. Đối với một phụ nữ khác,
thì câu nói vụng về thô lỗ có thể chỉ buồn cười; nhưng nói với một
người đàn bà quá dễ mến nên đã khiến thiên hạ hơi đồn đại về mình,
và chắc chắn tôi không có ý định xúc phạm, thì câu ấy thật ghê gớm;
và tôi cho là hai vị chứng kiến, nam và nữ, rất khó khăn vất vả mới
ngăn được mình bùng ra. Đó là những lời tài tình do tôi buột miệng vì