Trong thời gian tôi ở chủng viện, ông D’Aubonne buộc phải rời
Annecy. Ngài giám sát nghĩ ra chuyện thấy ông này tán tỉnh vợ mình
là xấu, xử sự như vậy cũng giống như con chó của người làm vườn
vì, mặc dù bà Corvezi dễ thương, ông ta sống với bà rất không ổn;
những sở thích ở bên kia núi Alpes
khiến bà vô dụng với ông, và ông
đối xử với bà thật thô bạo đến mức vấn đề ly hôn được đặt ra. Ông
Corvezi là một người đáng ghét, đen như chuột chũi, giảo hoạt như cú
mèo, và do cứ gây phiền nhiễu mãi cuối cùng tự làm mình bị đuổi.
Người ta bảo rằng người Provence thường trả thù kẻ địch bằng những
bài ca: ông D’Aubonne trả thù kẻ địch của mình bằng một vở kịch hài;
ông gửi nó cho bà De Warens, bà đưa tôi xem. Tôi thích vở kịch, và nó
làm tôi nảy ý ngông muốn viết một vở, để thử xem liệu mình quả thực
có ngu như tác giả đã phán quyết hay không: nhưng tôi chỉ thực hiện
dự định này ở Chambéry khi viết Người tự yêu mình
. Như vậy khi tôi
nói trong bài tựa vở kịch là tôi đã viết nó năm mười tám tuổi, tôi có
nói dối vài năm.
Gần như vào thời gian này có một biến cố liên quan, bản thân nó
ít quan trọng, nhưng có những hậu quả đối với tôi, và gây ồn ào trong
xã hội khi tôi đã quên nó. Tuần nào tôi cũng được phép ra ngoài một
lần; tôi chẳng cần nói mình sử dụng việc này thế nào. Một chủ nhật
khi tôi đang ở nhà Má, thì một ngôi nhà của các thầy tu dòng
Franciscain giáp với nhà của bà bị cháy. Ngôi nhà, trong đó họ đặt bếp
lò, chứa đầy đến nóc những bó củi khô. Tất cả bốc cháy trong thời
gian rất ngắn: nhà của Má gặp nguy hiểm lớn, và bị bao trùm bởi
những ngọn lửa do gió tạt sang. Mọi người phải hối hả dọn đồ đạc và
chuyển chúng sang khu vườn đối diện những cửa sổ phòng tôi trước
đây, và ở bên kia dòng suối mà tôi đã nói đến. Tôi hết sức bối rối, đến
mức ném qua cửa sổ bất cứ thứ gì rơi vào tay, cho đến cả một cái cối
đá to để giã thuốc, mà lúc khác chắc tôi phải vất vả mới nhấc lên nổi.
Tôi đã sẵn sàng ném cả một tấm gương lớn, nếu người nào đó không