Vì tôi là người Thiên Chúa giáo và để mọi người coi mình là thế,
nên tôi theo tôn giáo mà mình đã gia nhập, không bí mật và không
ngần ngại áy náy. Các ngày chủ nhật, khi trời đẹp, tôi đến dự lễ mi xa
ở Assens, cách Lausanne hai dặm. Tôi thường đi đường cùng những
người Thiên Chúa giáo khác, nhất là cùng một bác thợ thêu người
Paris mà tôi đã quên mất tên. Đó không phải là một người Paris giống
như tôi, đó là một người dân Paris thực sự của Paris, một người siêu-
Paris của Chúa lòng lành, chất phác như một người miền
Champagne
. Bác yêu quê hương tha thiết, thành thử chẳng bao giờ
muốn nghi ngờ tôi không thuộc về nơi ấy, vì sợ mất cơ hội nói về nơi
ấy. Ông De Crouzas, phó pháp quan, có một bác làm vườn cũng là
người Paris, nhưng không dễ tính bằng, bác thấy vinh quang của địa
phương mình bị tổn hại khi người ta dám tự nhận là dân địa phương
trong khi chẳng có vinh dự đó. Bác chất vấn tôi với vẻ của một người
tin chắc sẽ bắt được tôi phạm lỗi, rồi mỉm cười tinh quái. Một lần bác
hỏi tôi ở Chợ-Mới có gì đặc biệt. Tôi nói lung tung như mọi người có
thể nghĩ. Sau khi đã ở Paris hai chục năm, giờ đây tôi phải biết rõ
thành phố này; tuy nhiên, nếu ngày nay mọi người đặt cho tôi câu hỏi
như thế, tôi sẽ chẳng kém lúng túng khi trả lời; và từ sự lúng túng đó
cũng rất có thể kết luận là tôi chưa từng ở Paris: vì, ngay cả khi ta gặp
sự thật, ta vẫn dễ căn cứ biết mấy vào những nguyên tắc dối lừa!
Tôi không thể nói chính xác mình đã ở Lausanne bao lâu. Tôi
không mang theo từ thành phố này những kỷ niệm giàu sức gợi nhớ.
Tôi chỉ biết là, không kiếm sống được tại đây, tôi liền đi đến
Neuchâtel, và qua mùa đông ở đó. Tôi thành công hơn tại thành phố
này; tôi có học trò; và tôi kiếm được đủ để trả nợ ông bạn tốt Perrotet,
người đã trung tín gửi cho tôi số hành lý nhỏ, mặc dù tôi mắc nợ ông
khá nhiều tiền.
Trong khi dạy nhạc tôi dần dần học được nhạc. Cuộc sống của tôi
khá êm ả; một người biết điều có thể hài lòng về cuộc sống ấy: nhưng