ấy. Trong khi đi đường, ông ta đề nghị tôi đến quán cà phê ăn sáng.
Mặc dù rất đói, tôi không nhận lời mời này, ông ta cũng chẳng nài nỉ
nhiều, và chúng tôi chia tay ở góc phố thứ ba hay thứ tư, tôi thì vui
thích vì khuất mắt tất cả những gì thuộc về ngôi nhà đáng nguyền rủa
ấy, còn ông ta, như tôi nghĩ, rất mừng vì đã đưa tôi đi khá xa ngôi nhà
để tôi không dễ nhận ra nó. Vì ở Paris, cũng như ở bất kỳ thành phố
nào khác, tôi chưa hề gặp chuyện gì tương tự hai sự biến trên, nên tôi
giữ một ấn tượng ít có lợi cho dân chúng Lyon, và tôi luôn coi thành
phố này là thành phố châu Âu tại đó ngự trị tình trạng hư hỏng gớm
guốc nhất.
Hồi ức về trạng thái cùng cực mình phải lâm vào cũng chẳng góp
phần khiến tôi thích thú nhớ lại thành phố này. Nếu tôi được tạo ra
như một người khác, nếu tôi có tài vay mượn và mắc nợ nơi quán trọ,
tôi sẽ thoát vòng khó khăn một cách dễ dàng; nhưng về việc này sự bất
tài của tôi ngang với niềm gớm ghét nơi tôi; và, để tưởng tượng xem
sự bất tài và niềm gớm ghét ấy đi tới mức nào, chỉ cần biết rằng sau
khi sống gần như cả đời trong tình trạng túng bấn, và nhiều khi sắp
thiếu miếng ăn, chưa một lần nào tôi để chủ nợ đòi mà không trả ngay
lập tức. Chưa khi nào tôi có những món nợ réo đòi, và bao giờ tôi
cũng thích chịu khổ sở hơn là mắc nợ.
Chắc chắn là khổ sở khi phải chịu cảnh qua đêm ngoài đường, và
đó là chuyện nhiều lần xảy ra với tôi tại Lyon. Tôi thích dùng vài đồng
xu còn lại dể chi cho miếng ăn hơn là cho chỗ ở; vì rốt cuộc tôi ít có
nguy cơ chết vì buồn ngủ hơn là vì đói. Điều lạ lùng, là trong tình
cảnh ác nghiệt ấy, tôi chẳng lo lắng cũng chẳng buồn rầu. Tôi không
ưu tư gì về tương lai, và tôi chờ thư trả lời mà cô Du Châtelet ắt sẽ
nhận được, trong lúc nằm ngoài trời, duỗi mình trên mặt đất hay trên
một chiếc ghế dài mà ngủ, bình thản như trên một thảm hoa hồng.
Thậm chí tôi còn nhớ đã qua một đêm tuyệt diệu bên ngoài thành phố,
trên một con đường ven sông Rhône hay sông Saône, vì tôi không nhớ
rõ là sông nào. Những khu vườn được đắp cao viền lấy mép đường đối