mất đi khí lực, và khi tôi công bố những ý tưởng của riêng tôi, mọi
người đã không kết tội tôi là một đồ đệ nô lệ, nhất nhất chỉ theo lời
thầy.
Từ đó tôi chuyển sang hình học cơ bản; vì tôi chưa từng đi xa
hơn, do cứ khăng khăng muốn khắc phục tình trạng kém trí nhớ bằng
cách quay trở lại hàng trăm hàng trăm lần và không ngừng bắt đầu lại
vẫn một cách tiến hành. Tôi không thích hình học Euclide, tìm chuỗi
chứng minh hơn là tìm mối liên hệ các ý tưởng; tôi ưa hình học của
cha Lamy
hơn, từ đó ông thành một trong những tác giả được tôi ưa
thích nhất, và giờ đây tôi vẫn còn thích thú đọc lại tác phẩm của ông.
Sau đó là môn đại số, và tôi vẫn coi sách của cha Lamy là sách chỉ
nam. Khi đã tiến bộ hơn, tôi đọc Khoa học tính toán của cha
Reynaud
, rồi cuốn Phân tích có chứng minh của ông, mà tôi chỉ đọc
lướt. Tôi chưa bao giờ đi đủ xa để cảm nhận rõ được việc ứng dụng
đại số vào hình học. Tôi không thích cái cách làm toán mà không nhìn
thấy điều ta làm; và với tôi giải một bài toán hình bằng các phương
trình dường như là chơi một điệu nhạc bằng cách quay một chiếc tay
quay. Lần đầu tiên nhờ tính toán mà tìm ra được bình phương của một
nhị thức gồm bình phương của mỗi số hạng và hai lần tích của số hạng
nọ nhân với số hạng kia, mặc dù phép nhân của tôi chính xác, tôi vẫn
không muốn tin kỳ cho đến khi tôi đã vẽ được hình, chẳng phải tôi
không rất thích đại số nếu chỉ xét số lượng trừu tượng; nhưng áp dụng
vào diện tích, thì tôi thích nhìn thấy phép toán trên các đường nét, nếu
không tôi chẳng còn hiểu gì hết.
Sau đấy đến tiếng Latin. Đó là môn học vất vả nhất của tôi, và
chưa bao giờ tôi đạt được nhiều tiến bộ. Mới đầu tôi theo phương pháp
Latin của Port-Royal, nhưng không kết quả. Những câu thơ kỳ quặc
thô dã ấy khiến tôi buồn nôn, và không sao lọt tai được. Tôi lạc trong
những mớ quy tắc, và đang học quy tắc gần nhất thì quên sạch những
gì trước đó. Học các từ là việc chẳng hợp với một người không có trí