nhớ; và chính để bắt trí nhớ phải có sức chứa mà tôi khăng khăng học
từ. Cuối cùng đành phải bỏ. Tôi hiểu cú pháp đủ để đọc được một tác
gia dễ, nhờ tra từ điển. Tôi theo con đường này, và thấy ổn. Tôi
chuyên tâm dịch, không phải dịch viết, mà dịch trong óc, và tôi tự giới
hạn ở đó. Nhờ thời gian và nhờ luyện tập, tôi đọc được khá trôi chảy
các tác gia Latin nhưng không bao giờ có thể nói hay viết bằng ngôn
ngữ ấy; điều này nhiều khi khiến tôi lâm vào cảnh lúng túng khi thấy
mình, chẳng biết bằng cách nào, được chiêu mộ vào giới văn nhân.
Một bất tiện khác, do cách học hành như trên, là tôi không bao giờ
hiểu được vận luật học, càng ít hiểu quy tắc làm thơ. Tuy nhiên do
muốn cảm nhận được tính hài hòa của ngôn ngữ trong thơ và văn xuôi,
tôi đã rất cố gắng để đạt được điều ấy; nhưng tôi tin chắc rằng không
có thầy thì hầu như không thể. Do đã học cách cấu tạo câu thơ dễ nhất
trong các câu thơ, đó là câu thơ sáu âm tiết, tôi kiên nhẫn đọc nhấn
từng vần hầu như toàn bộ Virgile, làm rõ các âm tiết và âm lượng; rồi
khi hồ nghi không chắc một âm tiết là ngắn hay dài, thì tôi lại tham
khảo cuốn Virgile của tôi. Ta thấy việc này khiến tôi mắc nhiều lỗi, do
những sự biến âm được quy tắc làm thơ cho phép. Nhưng nếu như
việc học một mình có cái lợi, thì cũng có nhiều bất tiện lớn, đặc biệt là
một sự vất vả không sao tin nổi. Tôi biết điều này rõ hơn ai hết.
Trước mười hai giờ trưa tôi rời sách vở, và nếu bữa ăn chưa sẵn
sàng, tôi ra thăm các bạn bồ câu của mình, hoặc làm vườn trong khi
chờ đợi.
Khi nghe gọi, tôi chạy đến rất hài lòng và rất thèm ăn, vì lại một
điều cần lưu ý, là dù ốm thế nào chăng nữa, chẳng bao giờ tôi không
thèm ăn. Chúng tôi dùng bữa một cách thật dễ chịu, vừa trò chuyện về
công việc của mình, vừa đợi để Má có thể ăn được. Mỗi tuần hai ba
lần, khi trời đẹp, chúng tôi ra sau nhà uống cà phê trong một phòng
nhỏ, mát và um tùm cây lá, mà tôi đã trang trí nhiều cây hoa bia, và
khiến chúng tôi rất thích thú vào mùa nóng; trong khoảng một giờ
chúng tôi thăm rau, thăm hoa, trò chuyện về cách sống của mình,