maschera
. Vừa được đưa vào, tôi liền bỏ mặt nạ, và tự xưng danh.
Ngài nghị sĩ tái mặt đi và sững sờ. Tôi nói với ngài bằng tiếng Venise:
“Thưa đại nhân, tôi rất tiếc phải đến làm phiền ngài; nhưng ngài đang
có tại nhà hát Saint-Luc một người tên là Véronèse đã được thuê phục
vụ nhà vua, và mọi người đã yêu cầu ngài giao người đó song vô hiệu:
tôi đến đòi ông ta nhân danh Hoàng thượng.” Bài diễn thuyết ngắn của
tôi gây ấn tượng. Tôi vừa ra về, là nhân vật của tôi chạy đi báo cáo sự
cố với các đại pháp quan của Nhà nước, họ mắng cho ông ta một trận,
Véronèse bị cho thôi việc ngay hôm ấy. Tôi cho người báo với ông ta
rằng nếu ông ta không lên đường trong vòng tám ngày, tôi sẽ cho bắt
giữ ông ta; thế là ông ta lên đường.
Trong một dịp khác, tôi cứu một thuyền trưởng tàu buôn thoát
khỏi khó khăn, một mình tôi làm và gần như không ai giúp đỡ. Ông ta
là thuyền trưởng Olivet, người Marseille; tôi quên tên con tàu. Đoàn
thủy thủ của ông đã cãi cọ với những người Esclavonie làm việc cho
nước Cộng hòa: có những sự bạo hành, và con tàu bị bắt giữ với tình
trạng hà khắc đến mức không người nào, trừ một mình thuyền trưởng,
có thể vào hoặc ra khỏi tàu mà không được phép. Thuyền trưởng cầu
viện đại sứ, đại sứ đuổi ông ta đi; ông ta cầu viện lãnh sự, lãnh sự bảo
đây không phải một công việc thương mại và mình không thể can
thiệp; chẳng biết làm gì nữa, ông ta quay lại tìm tôi. Tôi trình bày với
ông De Montaigu là ông cần cho phép tôi làm một bản trần tình về
việc này với nghị viện; tôi không nhớ ông có chấp thuận hay không và
tôi có đưa bản trần tình hay không; nhưng tôi nhớ rõ là do những sự
vận động của tôi chẳng có kết quả gì, và lệnh cấm tàu vẫn kéo dài, tôi
bèn có một quyết định, dẫn tới thành công. Tôi xen đoạn tường thuật
vụ việc này vào một công văn gửi ông De Maurepas, thậm chí tôi phải
khá vất vả để ông De Montaigu đồng ý thông qua điều đó. Tôi biết
rằng các công văn của chúng tôi, tuy chẳng đáng mất công mở ra,
song vẫn bị mở ra tại Venise. Tôi có chứng cứ về điều này ở những bài