ngược. Ông ta đặc biệt nhận được một lời khen trong một trường hợp
khẩn yếu mà ông ta không bao giờ tha thứ cho tôi. Điều này đáng bỏ
công giải thích.
Ông ta có thể ít kiềm chế đến mức ngay thứ bảy, ngày của hầu hết
các chuyến thư, cũng không đợi được công việc hoàn tất rồi mới ra
ngoài; và không ngừng thúc giục tôi giải quyết các công văn gửi nhà
vua và các bộ trưởng, ông ta ký vội ký vàng, rồi chạy đi chơi bời
những đâu tôi chẳng biết, bỏ lại phần lớn thư từ không có chữ ký: điều
này buộc tôi, khi chỉ là tin tức, thì sửa sang thành thông báo; nhưng
khi là việc liên quan đến công vụ phụng sự nhà vua, thì phải có ai đó
ký tên, và tôi ký. Tôi đã hành xử như vậy đối với một thông tri quan
trọng mà chúng tôi vừa nhận được từ ông Vincent, đặc phái viên ngoại
giao của nhà vua tại Vienne. Đó là vào thời gian vương tước De
Lobkowitz tiến đánh Naples, và bá tước De Gages thực hiện cuộc rút
lui đáng ghi nhớ, mưu chước chiến tranh tuyệt vời nhất của cả thế kỷ,
mà châu Âu nhắc tới quá ít. Thông tri truyền đạt rằng một người mà
ông Vincent gửi cho chúng tôi dấu hiệu nhận dạng, lên đường từ
Vienne, và phải qua Venise, lén lút đi đến Abruzze, đảm nhiệm vận
động dân chúng nổi dậy khi quân Áo tới gần. Trong khi vắng mặt bá
tước De Montaigu, người chẳng quan tâm đến điều gì hết, tôi cho
chuyển bức thông trì tới hầu tước De l’Hôpital rất kịp thời, thành thử
có lẽ nhờ chàng Jean-Jacques tội nghiệp bị nhạo báng rất nhiều mà
dòng họ Bourbons giữ được vương quốc Naples.
Hầu tước De l’Hôpital, trong khi cảm ơn vị đồng chức theo đúng
lẽ công bằng, có nói đến người bí thư của ông ta và việc người đó vừa
giúp cho sự nghiệp chung. Bá tước De Montaigu, người phải tự trách
vì sự sơ xuất của mình trong vụ đó, ngỡ như thoáng thấy trong lời
khen này một sự chê trách, và nói với tôi chuyện ấy một cách cáu
kỉnh. Tôi từng ở tình thế phải hành xử với bá tước De Castellane, đại
sứ tại Constantinople, giống như với hầu tước De l’Hôpital, tuy việc
không quan trọng bằng. Bởi với Constantinople không có bưu vụ nào