thân thương, khi ấy chắc đã được một phần ba thế kỷ. Tôi đã bị quấy
nhiễu thật liên tục, đã rất ít làm chủ được bản thân, thành thử không
tìm được lúc nào để làm mình thỏa nguyện. Xem ra tôi khó mà có lại
cơ hội như vậy. Tuy thế tôi không mất đi mong muốn cũng như hy
vọng, và tôi gần như tin chắc rằng nếu có khi nào, trở về những nơi
chốn yêu dấu ấy, gặp lại cây hồ đào thân thương hãy còn ở đó, tôi sẽ
tưới nó bằng nước mắt của mình.
Trở về Genève, tôi ở nhà cậu tôi hai hoặc ba năm, trong khi chờ
đợi mọi người quyết định sẽ sắp xếp cho mình ra sao. Vì cậu tôi dự
định để con vào ngành công binh, nên cậu cho con học vẽ chút ít và
dạy con các nguyên lý của Euclide. Tôi cùng học tất cả những điều
này cho có bầu có bạn, và tôi đâm thích, nhất là môn vẽ. Trong khi đó
mọi người bàn bạc xem sẽ cho tôi làm thợ đồng hồ, đại tụng hay mục
sư. Tôi thích làm mục sư hơn, vì tôi thấy việc thuyết giáo rất hay.
Nhưng số lợi tức nhỏ từ tài sản của mẹ tôi, chia cho anh tôi và tôi,
không đủ để tôi theo đuổi việc học. Vì độ tuổi của tôi khiến việc chọn
lựa trên chưa thật cấp bách, nên tôi ở lại nhà cậu trong khi chờ đợi,
gần như uổng phí thì giờ, và chẳng vì thế mà không trả một khoản tiền
trọ khá cao, điều này cũng phải lẽ.
Cậu tôi, người ưa khoái lạc giống cha tôi, không biết tự chế ngự
vì bổn phận như cha tôi, và khá ít chăm lo chúng tôi. Mợ tôi là người
sùng đạo hơi ngả theo phái kiên tín, thích hát thánh ca hơn là coi sóc
việc giáo dục chúng tôi. Mọi người để cho chúng tôi gần như hoàn
toàn tự do, song chúng tôi không bao giờ lạm dụng tình trạng này.
Luôn gắn bó khăng khít, hai chúng tôi đủ cho nhau và, do chẳng hề
tìm cách giao du với lũ trẻ lêu lổng trạc tuổi mình, chúng tôi không
nhiễm một thói quen bừa bãi nào mà cảnh nhàn rỗi có thể xui khiến.
Thậm chí tôi còn sai lầm khi cho rằng chúng tôi nhàn rỗi, vì chẳng bao
giờ chúng tôi ít nhàn rỗi hơn, và điều may mắn là mọi trò chơi mà
chúng tôi liên tiếp say mê khiến chúng tôi bận rộn cùng nhau trong
nhà, thậm chí chẳng có ý định ra ngoài đường nữa. Chúng tôi làm