hệ, nhờ gia đình bá tước De Friese. Tôi trừ ra một mình tu sĩ Raynal
mặc dù là bạn của Grimm, song tỏ ra thân với tôi, và gặp dịp thì mở
túi tiền cho tôi hào hiệp một cách phi thường. Nhưng tôi quen tu sĩ
Raynal từ lâu trước khi bản thân Grimm quen anh, và tôi luôn gắn bó
với anh kể từ khi anh có một hành vi hết sức tế nhị và quân tử đối với
tôi trong một trường hợp ít quan trọng, nhưng tôi sẽ không bao giờ
quên.
Tu sĩ Raynal chắc chắn là một người bạn nhiệt thành. Tôi có
chứng cứ về điều này gần vào thời gian tôi đang nói tới, liên quan đến
Grimm mà anh kết giao rất mật thiết. Grimm, sau khi gặp gỡ thân tình
với cô Fel
được ít lâu, đột nhiên phải lòng cô mê mệt, và muốn hất
cẳng Cahusac
. Người đẹp, tự phụ mình thủy chung, đuổi khéo anh
chàng rắp ranh ngấp nghé mới. Anh này bi thảm hóa vấn đề và muốn
chết vì chuyện đó. Anh đột nhiên mắc chứng bệnh kỳ lạ nhất mà có lẽ
người ta chưa từng nghe nói tới. Anh ở một trạng thái tê lịm liên miên
nhiều ngày đêm, mắt mở to, mạch đập mạnh, nhưng chẳng nói, chẳng
ăn, chẳng động cựa, đôi khi có vẻ nghe thấy, nhưng không bao giờ trả
lời, thậm chí bằng cách ra hiệu cũng không, vả chăng không khích
động, không đau đớn, không sốt, cứ ở đấy như thể chết rồi. Tu sĩ
Raynal và tôi chia nhau trông nom anh: tu sĩ, cường tráng hơn và khỏe
mạnh hơn, coi ban đêm, tôi coi ban ngày, không bao giờ cùng rời xa
anh; và người nọ không bao giờ ra về khi người kia chưa đến. Bá tước
De Friese, lo sợ, dẫn Sénac
tới, ông này, sau khi khám kỹ, bảo là
không sao cả, và chẳng kê đơn gì hết. Do kinh hãi cho bạn, tôi quan
sát cẩn thận thái độ ông thầy thuốc, và thấy ông mỉm cười khi đi ra.
Tuy thế người bệnh vẫn bất động nhiều ngày liền, chẳng ăn nước
canh, chẳng ăn bất kỳ thứ gì ngoài mứt anh đào mà thỉnh thoảng tôi
đặt lên lưỡi anh, và anh nuốt rất gọn. Một sáng kia anh dậy, mặc quần
áo và tiếp tục cách sống thường ngày, mà chẳng bao giờ nói lại với tôi,
hay với tu sĩ Raynal, hay với bất kỳ ai, về trạng thái tê lịm kỳ lạ kia