ổn cho đến mùa quả; nhưng quả chín đến đâu là tôi thấy biến mất đến
đấy, mà không hiểu chúng ra làm sao. Người làm vườn đoan chắc với
tôi rằng chính lũ chuột sóc ăn hết. Tôi mở cuộc chiến chống chuột sóc,
tôi tiêu diệt rất nhiều, thế mà quả vẫn biến mất. Tôi rình rất kỹ, thành
thử cuối cùng tôi thấy ra rằng chính người làm vườn là chuột sóc
kễnh. Anh ta ở Montmorency, đêm đêm anh ta đến từ nơi đó, cùng vợ
và các con đem đi số quả đã cất giữ ban ngày, rồi cho bán ở chợ Paris
công khai như thể anh ta có khu vườn riêng của mình. Gã khốn này,
mà tôi làm ơn cho rất nhiều, mà con cái được Thérèse may mặc cho,
mà tôi gần như nuôi nấng ông bố hành khất, trộm cướp của chúng tôi
vừa dễ dàng vừa trắng trợn, vì không người nào trong ba chúng tôi đủ
cẩn thận để chỉnh đốn mọi việc; và chỉ trong một đêm gã khoắng nhẵn
hầm cất đồ ăn uống của chúng tôi, sáng ra chẳng còn gì hết. Chừng
nào gã chỉ giở trò với tôi, thì tôi chịu đựng tất; nhưng khi muốn báo
cáo về hoa quả, tôi buộc phải tố cáo tên ăn trộm. Bà D’Épinay nhờ tôi
trả tiền công cho gã, đuổi gã đi và tìm một người khác; tôi làm như
vậy. Vì gã đểu đêm nào cũng lảng vảng quanh Ermitage, mang một
cây gậy to bịt sắt trông như cây chùy, theo sau là một số tên vô lại
cùng loại, nên để trấn an các Nữ Thống đốc, bị gã làm kinh sợ ghê
gớm, tôi để cho người kế tục gã ngủ lại ban đêm ở Ermitage, và, thấy
việc này vẫn chưa khiến các bà an lòng, tôi đề nghị bà D’Épinay đưa
một khẩu súng, để trong phòng người làm vườn, giao trách nhiệm cho
bác ta chỉ sử dụng khi cần thiết, nếu họ định phá cửa hay trèo vào
vườn, và chỉ bắn dọa, để làm lũ trộm sợ hãi mà thôi. Chắc chắn đây là
sự đề phòng nhỏ nhất, vì tình trạng an toàn chung, mà một người đàn
ông hay se mình khó ở, phải sống qua mùa đông giữa các khu rừng,
một mình với hai người đàn bà nhút nhát, có thể sử dụng. Cuối cùng,
tôi mua một con chó nhỏ để làm việc canh gác. Vì Deleyre đến thăm
vào thời gian này, tôi kể cho anh nghe trường hợp mình, và cùng cười
với anh về thiết bị quân sự của mình.