cho anh ta, và đó sẽ là lần đầu tiên trong đời mà anh sẽ đến vào ngày
anh hẹn. Anh ta sẽ mệt lử để đến nhắc lại ra miệng những điều anh sỉ
vả tôi trong thư; tôi sẽ chỉ nhẫn nại chịu đựng mà thôi. Anh ta sẽ đau
ốm trở về Paris; còn tôi, theo lệ thường, tôi sẽ là một kẻ hết sức khả ố.
Làm thế nào được? Phải chịu đựng.
Nhưng chị có thán phục hay không sự khôn ngoan của cái người
định đi xe ngựa thuê đến đón tôi tại Saint-Denis, ăn trưa tại đó, rồi
đưa tôi về bằng xe ngựa thuê (Tập A, số 33), thế mà tám ngày sau
(Tập A, số 34), cảnh ngộ chỉ còn cho phép người ấy đến Ermitage
bằng cách đi bộ mà thôi? Để nói theo cách của anh ta, đó cũng chẳng
nhất thiết là giọng điệu không thiện chí; nhưng ở trường hợp như vậy,
thì trong vòng tám ngày, cảnh ngộ của anh ta phải có những thay đổi
kỳ lạ.
Tôi cùng chung mối buồn phiền với chị trước bệnh tật của thân
mẫu chị; nhưng chị thấy là nỗi khổ của chị chẳng giống với nỗi khổ
của tôi. Thấy những người ta yêu mến bị ốm ta ít đau hơn là thấy họ
bất công và tàn ác.
Tạm biệt, bạn thân mến; đây sẽ là lần cuối cùng tôi nói với chị về
câu chuyện không hay này. Chị nói với tôi về việc chị đi Parts, với một
thái độ bình tĩnh mà ở một thời điểm khác chắc sẽ khiến tôi vui mừng.
Theo đề nghị của chính bà D’Épinay, tôi viết cho Diderot những
gì tôi đã làm về chuyện bà Le Vasseur; còn bà Le Vasseur, như ta có
thể nghĩ, đã chọn ở lại Ermitage, tại đó bà rất khỏe mạnh, tại đó bà
luôn có bầu bạn, tại đó bà sống rất dễ chịu, Diderot chẳng biết lấy gì
mà buộc tội tôi nữa, song cũng cứ buộc tội tôi vì đã cẩn thận như vậy,
và còn buộc cho tôi một tội nữa về việc bà Le Vasseur tiếp tục ở lại
Ermitage, mặc dù sự tiếp tục này do bà chọn, và việc quay về sống tại
Paris, vẫn được tôi trợ giúp như bà từng được trợ giúp, là tùy ở bà, và
bao giờ cũng chỉ tùy ở bà.