Đó là để giải thích lời chê trách thứ nhất trong bức thư số 33 của
Diderot. Việc giải thích lời chê trách thứ hai ở trong bức thư số 34.
Học giả [đó là một tên gọi đùa do Grimm đặt cho con trai bà
D’Épinay], Học giả hẳn đã viết cho anh là trên bờ lũy có hai chục kẻ
nghèo khổ đang chết đói chết rét và đang chờ đồng liard anh cho họ.
Đó là một đề tài tiêu biểu trong câu chuyện phiếm của chúng tôi... Và
nếu anh nghe được phần còn lại, nó cũng sẽ làm anh vui như thế.
Đây là sự trả lời
của tôi cho cái chứng cứ kinh khủng mà
Diderot có vẻ hết sức tự hào:
Tôi nghĩ là đã trả lời Học giả, tức là trả lời con trai một vị tổng
giám thu, rằng tôi chẳng ái ngại cho những kẻ nghèo khổ mà anh ta
đã nhìn thấy trên bờ lũy, đang chờ đồng liard của tôi; rằng hiển nhiên
anh ta đã đền bù cho họ một cách rộng rãi; rằng tôi lập anh ta làm
người thay thế mình; rằng những kẻ nghèo của Paris sẽ không phải
phàn nàn về sự thay đổi đó; rằng tôi sẽ chẳng dễ dàng tìm được một
người thay thế cũng tốt như vậy cho những kẻ nghèo của
Montmorency, họ cần người đó hơn nhiều lắm. Ở đây có một ông lão
đáng kính, sau khi đã làm việc cả đời, nay vì không thể làm được nữa,
đang chết đói ở tuổi già. Lương tâm tôi thấy thỏa mãn với hai đồng xu
mà thứ hai nào tôi cũng cho ông hơn là với một trăm đồng liard mà
giả sử tôi phân phát cho mọi kẻ đói rách trên bờ lũy. Triết gia các vị
thật tức cười khi coi cư dân thành phố là những người duy nhất mà
nghĩa vụ của các vị gắn bó các vị với họ. Chính ở nông thôn người ta
học yêu mến và phụng sự nhân loại; ở thành thị ngừời ta chỉ học
khinh miệt nhân loại mà thôi.
Đó là những áy náy lạ lùng mà một con người tài trí đã ngu ngốc
dựa vào để thực sự kết tội tôi vì đã đi xa Paris, và tự phụ chứng minh
cho tôi bằng thí dụ của chính tôi, rằng người ta không thể sống ngoài