gớm ghét: nhưng vì sợ thấy tiền hết đi, tôi nâng niu nó. Tiền mà ta sở
hữu là phương tiện để tự do; tiền mà ta đeo đuổi là phương tiện để
thành nô lệ. Đó là vì sao tôi cất kỹ và chẳng thèm muốn gì hết.
Vậy sự vô tư bất vụ lợi của tôi chỉ là sự lười nhác; cái thú khi có
chẳng bõ cái khổ khi kiếm: và sự phung phá của tôi lại cũng chỉ là lười
nhác; khi cơ hội tiêu pha một cách thú vị xuất hiện, ta chẳng lợi dụng
được nó thái quá. Tôi bị tiền cám dỗ không bằng bị sự vật cám dỗ, vì
giữa tiền và vật sở hữu mà mình khao khát bao giờ cũng có một trung
gian; trong khi giữa chính sự vật và việc vui hưởng nó không hề có
trung gian. Tôi nhìn thấy sự vật, nó cám dỗ tôi; nếu tôi chỉ nhìn thấy
phương tiện để đạt được nó, thì nó chẳng cám dỗ tôi. Vậy tôi đã ăn
cắp, và đôi khi tôi vẫn còn ăn cắp những thứ vặt vãnh cám dỗ mình,
mà tôi thích lấy hơn là xin: nhưng, khi bé hay khi lớn, tôi nhớ là chưa
hề lấy một đồng kẽm nào của ai hết, trừ một lần duy nhất, cách đây
chưa đầy mười lăm năm, tôi lấy cắp bảy livre mười xu. Việc đáng kể
lại, vì ở đó có một sự ngẫu hợp tức cười của trâng tráo và ngu dại, mà
có lẽ bản thân tôi khó lòng tin được nếu nó liên quan đến một kẻ khác
không phải mình.
Đó là ở Paris. Tôi đang đi dạo cùng ông De Francueil ở Palais-
Royal, vào quãng năm giờ. Ông rút đồng hồ ra, nhìn đồng hồ, rồi bảo
tôi: “Ta hãy đến Nhà hát Nhạc kịch”: tôi rất thích; chúng tôi đi. Ông
lấy hai vé ở tầng thượng, đưa cho tôi một vé, và đi vào trước với tấm
vé kia; tôi theo sau ông, ông bước vào. Khi bước vào sau ông, tôi thấy
cửa bị vướng. Tôi nhìn, tôi thấy tất cả mọi người đều đứng; tôi cho
rằng mình rất có thể lạc trong đám đông này, hay ít ra cũng khiến ông
De Francueil tưởng tôi bị lạc ở đó. Tôi đi ra, tôi lấy lại phiếu cho ra
ngoài, rồi lấy lại tiền, và tôi bỏ đi, chẳng nghĩ rằng mình vừa đến cửa
thì mọi người đều ngồi xuống, và lúc ấy ông De Francueil thấy rõ là
tôi không còn ở đó.
Bởi không gì xa lạ với tính tình tôi hơn là hành vi ấy, nên tôi ghi
nhớ nó, để chỉ ra rằng có những khoảnh khắc của một kiểu mê sảng